Friday, May 4, 2018

Tập Truyện Ngắn Người Tỵ Nạn - The Refugees - Viet Thanh Nguyen

THE REFUGEES

(Những người tỵ nan)

Lê Tất Đạt
(Sông Hương)
clip_image002
The Refugees là một tuyển tập gồm tám truyện ngắn của Nguyễn Thanh Việt, Giáo sư Nghiên cứu Mỹ Quốc tại Đại học UCLA, người năm ngoái đã đoạt giải Pulitzer Prize với tác phẩm The Sympathizer. Tất cả tám truyện này dài gần bằng nhau và cùng lấy cộng đồng người Việt ở California làm bối cảnh.

819
GS Nguyễn Thanh Việt tại UCLA
Các nhân vật phần lớn sinh ở Việt Nam, di cư qua Mỹ bị vướng mắc vào hai nền văn hóa tương phản và bóng ma dĩ vãng. Sự dị biệt Đông Tây không thể hòa hợp một phần vì sự khác biệt rõ rệt về nhân dáng bên ngoài và suy nghĩ bên trong. Bóng ma đây là tiếng sáo diều đồng vọng, những bờ đê ruộng nước làng quê. Bóng ma đây là những thương yêu ấp ủ, những đầm ấm ngọt bùi, những tai bay họa gió. Người đi là bỏ một nửa linh hồn. Kẻ ở lại gửi một nửa còn lại ra đi. Cả hai đều dở chết dở sống, chập chờn như bóng ma. Cả hai đều cố tìm nơi trú ẩn, xa cách muôn trùng hay ẩn nấp bên trong chính mình đều cùng chung nỗi xót xa, cùng chung nỗi đọa đày. Dù vậy họ vẫn thể hiện nền văn hóa tiêu biểu Đông phương mà họ đã thừa hưởng cùng niềm kiêu hãnh và ý chí vươn lên để cải thiện đời sông.

Du Miên1
Truyện mở đầu Black-Eyed Women kể về nột người đàn bà Mỹ gốc Việt làm nghề viết văn mướn (ghostwriter) và là người kể chuyện. Tựa đề Những người đàn bà mắt đen gợi lên ý niệm mơ hồ, huyền ảo vì thực ra trên đời không có mấy người mắt đen ngoài những người có ma lực nào đó truyền thông được với người chết. Để hỗ trợ thêm ý nghĩa, người kể chuyên hay tác giả ma đã đối diện với bóng ma của người anh mà ba thập niên trước bị hải tặc giết chết trên biển sau khi nhanh trí cứu cô thoát chết trong chuyến vượt biển tìm tự do của gia đình vào thời điểm miền Nam bị thất thủ. Đây là chuyện của thương yêu và mất mát, của bạo lực và vi phạm có thể không còn xa lạ gì đối với độc giả trong hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng cái nổi bật làm người đọc rúng động là nét tương phản giữa hai anh em, người sống và kẻ chết, hay kẻ sống người chết khi “người chết còn đi tiếp song người sống chúng tôi thì chỉ ở lại nơi đây” (The dead move on, but the living we just stay here). Cô nhớ lại những buổi chiều trên quê nhà, nhớ mùi ẩm mốc và sâu bọ trong hầm trú ẩn bom đạn dưới gầm giường, nhớ tiếng gầm sấm động máy bay phản lực vút qua trên bầu trời. và nhất là cảnh tượng kinh hoàng trên biển cả khi con tàu bị bọn hải tặc tấn công.

dscn2222
Truyện thứ hai, The Other Man kể về một thanh niên 18 tuổi, từ Việt Nam mới qua đến San Francisco không bao lâu sau ngày miền Nam sụp đổ, ở đây cậu đã hội nhập vào cộng đồng đồng tính luyến ái. Trong cuộc sống mới hàng ngày cậu vẫn bị bủa vây bởi những ký ức của cuộc trốn thoát ngặt nghèo từ Việt Nam: cậu cố quên hình ảnh những người giành giật, xô lấn, níu kéo lửng lơ trên không và rơi tòm xuống biển hoặc bị đốn gục dưới nòng súng của binh sĩ, những người cũng cố tìm cho chính mình một lối thoát thân. Tác giả viết: “Hắn cố quên đi những điều hắn đã tìm thấy; mạng sống của kẻ khác đâu còn có nghĩa lý gì với hắn khi chính mạng sống của hắn đang lâm nguy.” (He tried to forget what he’d discovered, how little other lives mattered to him when his own was at stake). Đây cũng có lẽ là lời phân trần chung cho tập thể người Việt về tinh thần thiếu hợp tác, thiếu tham gia và thiếu đóng góp vào những công cuộc cứu trợ, chúng tôi còn gánh nặng cho chính bản thân và gia đình và thân thuộc ở quê nhà làm sao “lý” đến việc của các ông được.
Truyện thứ ba War Years kể người con trai một chủ tiệm tạp hóa ở San Jose, nhớ lại sự phản kháng của mẹ cậu, bà Bình, trước sự đòi hỏi “cống hiến” tài vật vào công cuộc phục quốc ở quê nhà. Truyện này là một bức tranh thu nhỏ của những gì xảy ra giữa cộng đồng người Việt ở California trong thập niên 1980 mà tác giả đã dùng làm bối cảnh cho tác phẩm The Sympathizer, một tác phẩm gây được nhiều tiếng vang trên toàn cầu.
Trước sự hăm dọa tống tiền của người “chiến sĩ” bà chủ tiệm tạp hóa đã hùng dũng tuyên bố: “Mày chỉ là một tên trộm, một kẻ tống tiền, bằng cách làm cho người khác còn tưởng rằng họ có thể theo đuổi cuộc chiến này.” (You are nothing but a thief and an extortionist, making people still think they can fight this war). Và dù nói vậy chung cuộc bà cũng nộp một phong bì với 200 đô la, số tiền mà bà nói đã chắt chiu dành dụm được từ tiền lời 5 xu (cent) một hộp xúp, 10 xu cho nửa ký thịt heo, 25 xu cho một bao gạo 4 ký rưỡi. Người đọc sẽ tự hỏi cái “thế lực” này có sự hỗ trợ nào mà một người đàn bà “chì” như bà Bình, từng chống lại tên cướp có súng vào đánh cướp tiệm của bà mà lại phải “cúng” tiền mồ hôi nước mắt cho lực lượng không biết thực hay ma này. Dù sao thì bà cũng đã hai lần di cư, lần thứ nhất từ Bắc vào Nam nên bà chỉ muốn được yên ổn làm ăn và đó là cái nhược điểm mà bọn người không lương tâm nắm vững được.
Truyện I’d love you to want me mượn tựa đề từ một bài hát thời trang thịnh hành năm 1972 của Lobo. Khi nghe bản nhạc vị Giáo sư bị mất trí (dementia) “gợi nhớ” tên một người đàn bà không phải vợ mình. Đây là nỗi đớn đau vô bờ bến bên cạnh nỗi muộn phiền sống lưu vong của người vợ một mực thủy chung. Bốn mươi năm tình nghĩa vợ chồng với những tiếng xưng hô Anh, Em ngào ngọt bỗng một hôm được thay bằng tên một người đàn bà xa lạ mà ông từng âu yếm nghe chung bài hát, cùng ôm nhau nhảy một khi bản nhạc được tấu lên làm người vợ bị như bị một nhát dao đâm mới, tuyệt vọng vô bờ. Sự phản bội chua chát này và trạng huống người chồng cùng một lúc xuất hiện làm người đọc xót xa cho người đàn bà bất hạnh ở tuổi cuối đời. Truyện này làm tôi nhớ lại phimAway from Her một phim bi thảm của Canada năm 2006, nói về một người vợ bị bệnh Alzheimer ở trong nhà dưỡng lão đã nhận một bệnh nhân xa lạ là người tình của mình. Xem phim và đọc truyện bỗng thấy đời sống về già buồn ghê!

giphy-25
Trong The American các nhân vật hầu hết là người Mỹ, được nhìn qua lăng kính của một “người ngoài” đã từng tham dự tích cực vào cuộc chiến. Ông là một cựu phi công oanh tạc cơ B-52, từng thả vô số bom xuống chiến trường Việt Nam và lần đầu tiên đặt chân lên đất nước này. Điều cần “xét xem” lại ở đây là những “thành quả” của các cuộc dội bom B-52 ồ ạt mà theo ông “Ở cao độ mười nghìn mét, thả những trái bom nhắm vào các mục tiêu lớn bằng sân đá banh thì cũng như thả những trái banh đánh golf từ trên mái nhà rơi vào một cốc cà phê (Aimming from forty thousand feet at target like dropping golf balls from the roof of a house into a cup of coffee). Phải chi Mỹ chế được loại “bom thông minh” có thể đánh mùi được người Cộng sản và Quốc gia thì binh sĩ và thường dân vô tội miền Nam đỡ bị chết oan!

co-don
Truyện cuối cùng Fatherland nói về một người đàn ông có hai đời vợ, một đời vợ có ba đứa con đặt cùng tên. Người vợ thứ nhất ly dị và sống với con ở Mỹ, ông cùng bà vợ thứ hai và ba con sống ở Việt Nam. Truyện nói lên những ước vọng và mong chờ của người ở quê nhà. Chính vì đáp ứng những ước nguyện đó mà cô con gái lớn nhất, Vivien đã làm một cuộc quy cố hương dưới địa vị một bác sĩ nhi đồng. Cô làm người cha hả dạ, đẹp mặt gia phong và đem về niềm hãnh diện cùng giấc mơ Mỹ Quốc cho các em. Tiếc thay tất cả chỉ là phù du!
Đây là một tập truyện sống động, một đóng góp quý báu vào nền văn chương Mỹ Quốc. Ông Nguyễn Thanh Việt là tác giả Việt Nam đầu tiên đoạt được giải Pulitzer, chỉ có môt người Việt khác trước đây được vào danh sách chung kết cho giải thưởng này là bà Dương Văn Mai Elliot với tác phẩm The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family năm 2000. Tuyển tập này là một đóng góp cần thiết tuyệt diệu ở vào thời điểm Trump áp dụng chính sách hạn chế đối với người tỵ nạn.
Với vỏn vẹn 207 trang sách (209 kể cả lời tạ ơn) tác giả đã thành công bao quát mọi vấn đề: xã hội, con người, chinh chiến, xung đột, bạo hành và trào lưu đời sống hiện thời, kể cà đồng tình luyến ái, kể cả căn bịnh thời đại Alzheimer và người được ghép gan trong một cộng đồng Việt Nam nhỏ bé trên đất Mỹ. Người đọc dễ bắt gặp bóng dáng mình xuất hiện đâu đó: có thể một buổi chiều trên con đường Tự Do một thời tiêu biểu cho hòn ngọc viễn đông, có thể khuôn mặt ai quen ngồi trong La Pagode hay cái vẫy tay thân tình bên khung cửa sổ Brodard, một thuở hẹn hò. Bạn có thể là người chiến binh về già với nét ngang tàng và hành động võ rừng vẫn còn quen thói trong Someone Else Besides You.
Những ai đã từng ngưỡng mộ tác giả qua quyển The Sympathizer chắc chắn sẽ hài lòng với The Refugees. Những ai chưa từng đọc sách hay những bài tiểu luận của ông thì đây là tập truyện nên tìm đọc. Không như lối hành văn và chơi chữ có tính cách học giả trong The Sympathizer, tuyển tập 8 truyện ngắn này hành văn giản dị, dễ đọc và dễ ngấm.

Người đọc khác :

Đọc “The Refugees” của Nguyễn Thanh Việt: Câu chuyện của lòng oán giận, hài hước và hy vọng

Lấy bối cảnh tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt tại California, tuyển tập truyện ngắn của nhà văn vừa đoạt giải Pulitzer cho chúng ta thấy cách mà các nhân vật đối mặt với “bóng ma đến từ quá khứ.”

15 năm trước, tôi đã từng dùng A Problem from Hell (Chuyện từ Địa Ngục) – cuốn sách của Samantha Power về nạn diệt chủng – để giảng dạy cho một nhóm sinh viên tầm 18, 19 tuổi tại một trường đại học ở miền trung tây nước Mỹ. Trong lớp học ấy có một cậu sinh viên trẻ, người trải qua thời niên thiếu của mình tại Bosnia khi NATO ném bom quê hương cậu. Những sinh viên khác đều kinh ngạc trước mối liên kết của cậu ấy với nạn diệt chủng trong cuốn sách. Họ hỏi cậu về việc lớn lên giữa vùng chiến sự. Cậu trả lời rằng “Mình cũng có một tuổi thơ bình thường như mọi người ở đây. Tụi mình rất hay chơi bài poker trong nhà. Còn khi người ta ngưng thả bom thì tụi mình sẽ đá bóng trên đường phố.”
Chỉ trong vài năm qua, thế giới đã được chứng kiến số lượng người tị nạn gia tăng đến mức chóng mặt, đạt tới 60 triệu người. The Refugees, tập truyện được xuất bản sau tiểu thuyết đạt giải Pulitzer The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt, nhắc nhở chúng ta rằng: “Văn học sẽ luôn tồn tại (Literature is news that stays news)” như lời Ezra Pound.


Lấy bối cảnh cộng đồng người Việt tại California cũng như tại Việt Nam, tập truyện không nhằm mục đích khiến người đọc ngạc nhiên với những tình tiết bất ngờ hoặc giật gân như nhiều câu chuyện về chiến tranh và người tị nạn khác. Thay vào đó, giống như cậu sinh viên người Bosnia của tôi, nhân vật của Nguyễn Thanh Việt kể lại những câu chuyện mà chỉ mình họ biết.
Ở phần cuối cuốn sách là hai trong số các câu chuyện mà theo tôi là cảm động nhất, đều về việc anh chị em bị chia cách bởi địa lý và lịch sử. Black-Eyed Women kể về một phụ nữ người Mỹ gốc Việt làm nghề viết thuê (ghostwriter). “Ít nhất tên con không bị ghi trên bất cứ thứ gì” là lời chấp nhận duy nhất từ mẹ cô, cho thấy nỗi sợ hãi của bà khi nhiều nhà văn trong nước bấy giờ thường có số phận đáng thương. Vì nghề nghiệp của mình, cô đã gặp được hồn ma của người anh trai đã khuất -một thuyền nhân chết trẻ khi gia đình họ đi vượt biên. Nguyễn Thanh Việt tiếp tục câu chuyện với tình yêu và mất mát, bạo lực và xâm phạm – những điều có thể xa lạ với người đọc – nhưng sự tương phản giữa ý chí kiên cường của người anh (hồn ma ấy đã mất hàng chục năm bơi qua Thái Bình Dương để đến được Mỹ) và quyết định “sống mà như chết” của cô em gái (thực sự là cô nổi loạn chống lại việc sống tiếp) đã khiến cho câu chuyện đọng lại trong lòng chúng ta.
Câu chuyện cuối cùng trong cuốn sách – Fatherland – lại đưa người đọc vào một tình huống phức tạp hơn giữa hai chị em. Nhân vật chính, một người phụ nữ trẻ Việt Nam, lần đầu tiên gặp gỡ cô em cùng cha khác mẹ từ Mỹ sang thăm. Câu chuyện càng thêm căng thẳng khi người cha đặt cho cả cô con gái hai cùng một cái tên. Hai chị em, một người Mỹ và một người Việt, nhưng lại trùng tên – Nghe thì có vẻ lạ, nhưng không phải đó là số phận của nhiều người tị nạn hay sao? Rằng họ phải bỏ lại phía sau một cuộc đời mà có lẽ đã là của họ; và đến sống nơi vùng đất xa lạ, với lớp vỏ bọc dễ dàng bị phá bỏ bởi bóng ma từ quá khứ.
Chủ đề “tính hai mặt” – có quyền lựa chọn và không thể tránh khỏi, có một mái ấm và phải sống vô gia cư, được bắt đầu lại từ đầu và mắc kẹt trong bế tắc – xuất hiện không chỉ trong câu chuyện của những người tị nạn Việt Nam, mà còn của những kẻ trở thành người tị nạn ngay chính trong căn nhà của họ, ngay chính giữa những người thân yêu của họ. “Mỉm cười với người thân có thể chẳng bao giờ khiến bạn hạnh phúc, nhưng mỉm cười với người lạ đôi khi lại khác.” Đó là những gì một phi công, người đã chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam và lần đầu tiên quay lại vùng đất này, đã nghĩ trong khi vẫy tay chào những người dân địa phương từ một chiếc xe du lịch. Ông luôn cảm thấy xa lạ với con gái của mình, như cái cách mà một người Mỹ gốc Mexico khác trong tập truyện cảm thấy xa lạ với vợ, hay cái cách mà một câu trai trẻ đến từ Hồng Kông luôn thấy xa lạ với bố.
Tập truyện miêu tả đầy những hình ảnh người tị nạn, từ hỗn loạn bên ngoài– do thảm họa tự nhiên/nhân tạo – cho đến những mâu thuẫn sâu sắc trong nội tâm hay giữa những người thân thiết nhất. Tức giận nhưng không tuyệt vọng, hòa dịu nhưng không ảo tưởng, hài hước nhưng không hàm ý hạ thấp bất kỳ ai, Nguyễn Thanh Việt đã thổi hồn sống vào nhiều nhân vật khó quên và tặng cho chúng ta một cuốn sách đáng đọc, theo lời của Willa Cather, về “quá trình thoát khỏi số phận cách chậm rãi của những người có chung cảm xúc và chung huyết thống.”
Kim Phụng (Theo The Guardian)

Nguyễn Thanh Việt: Người Mỹ gốc Việt, hiện thân của mâu thuẫn trong lịch sử Mỹ

Titi Mary Trần
VOA  –  27.01.2017

Tác giả Nguyễn Thanh Việt. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)
Tác giả Nguyễn Thanh Việt. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)

Sinh ra tại Buôn Mê Thuột, lớn lên tại California, tác giả Nguyễn Thanh Việt là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được giải Pulitzer thể loại tiểu thuyết hư cấu, cho tác phẩm đầu tay, “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên). Với cách viết khéo léo, tinh vi, anh nói lên được sự phức tạp của chiến tranh Việt Nam và đưa ra tiếng nói không mấy quen thuộc trong văn chương chiến tranh Việt Nam: Tiếng nói đầy mâu thuẫn của một gián điệp thân Cộng.
So sánh giữa tị nạn và di dân
“The Refugees” là tuyển tập nhiều truyện ngắn viết trước “The Sympathizer.” Có sự khác biệt rõ ràng trong định nghĩa giữa tị nạn và di dân. Trong lúc người tị nạn bắt buộc phải rời khỏi quê hương và không có sự chuẩn bị nào để trốn tránh chiến tranh, khủng bố, hoặc thảm họa thiên tai, di dân lựa chọn rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, ra nước ngoài tìm đường sống với những cơ hội kinh tế, chính trị, xã hội tốt hơn. Hơn nữa, người tị nạn thường đối diện với nhiều khó khăn và thử thách hơn khi hòa nhập vào môi trường mới so với di dân vì họ thường bị kẹt trong những tình huống không có sự chuẩn bị.
Nguyễn Thanh Việt là một người tị nạn.
Anh thổ lộ, “tôi lớn lên giữa cộng đồng người Việt tại San Jose vào thập niên 1970, 1980, nơi có rất nhiều mặt trái, nghèo đói, lừa dối, lạm dụng tiền trợ cấp, bạo lực gia đình, những người bỏ nhà ra đi, từ bỏ vợ chồng, con cái, và bạo lực. Cho nên tôi nghĩ đương nhiên những điều đó uốn nắn suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của một người tị nạn. Mà tị nạn không phải là kinh nghiệm vui vẻ gì, và điều này tất cả những người Việt đều biết. Nhưng hầu như người Mỹ không biết về những câu chuyện tị nạn, cả những gì xảy ra trong cộng đồng Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng tôi về mặt lý thuyết, theo cách nó đưa tôi đến con đường muốn cố gắng tìm hiểu làm sao để kể một câu chuyện và làm cách nào chúng ta biết, hoặc không biết, những điều về những người mà mình nghĩ là khác biệt với mình. Trong trường hợp của người Việt, chúng ta là những người khác biệt so với người Mỹ hoặc những người Mỹ khác. Và chúng ta muốn thách thức một thực tế ở Hoa Kỳ là người Mỹ đa số kể chuyện và viết những câu chuyện về họ, những người Mỹ trắng, mà không phải là câu chuyện về những người Mỹ mới, những di dân, những người tị nạn, những người như chúng ta.”

Từ trái, ông Joseph Nguyễn, thân phụ của tác giả, Nguyễn Thanh Việt, và anh trai, Tùng Nguyễn, tại buổi lễ tuyên dương ở tòa thị chính San Jose. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)
Từ trái, ông Joseph Nguyễn, thân phụ của tác giả, Nguyễn Thanh Việt, và anh trai, Tùng Nguyễn, tại buổi lễ tuyên dương ở tòa thị chính San Jose. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)

Học cách kỳ thị chủng tộc để trở thành Mỹ hơn
Có câu nói “Mỹ là quốc gia của di dân.” Hoa Kỳ có lịch sử lâu dài những người mới tới thường bị ăn hiếp. Nguyễn Thanh Việt giải thích, “Những nhóm người mới đến trong quốc gia này trong một thế kỷ, hoặc hơn một thế kỷ, đã trở thành người Mỹ, phần là do những người mới hơn, đến sau, càng bị thờ ơ ghét bỏ. Và một khi họ đã ở quốc gia này rồi, họ học được một điều, là nếu họ trở thành người kỳ thị chủng tộc thì có thể họ trở thành người Mỹ bằng cách tách biệt họ ra khỏi thành phần dân số đang bị miệt thị.”
Người Mỹ gốc Việt thật ra không khác gì. Mặc dù Nguyễn Thanh Việt muốn thách thức ý nghĩ là một người phải có phong cách kỳ thị chủng tộc để trở thành người Mỹ, anh nhận biết rằng, “những người Việt mà tôi biết trong cộng đồng Việt Nam là những người có tính kỳ thị chủng tộc. Họ nói những điều rất thành kiến về người Nam Mỹ, người Mỹ gốc Phi, và đây là một trong những thực tại của văn hóa Việt Nam. Một trong những thực tại của người Việt là khi họ trở thành người Mỹ, họ thu thập tính cách của người Mỹ.” Anh lo lắng là “những người Việt đương thời và những người Mỹ gốc Việt có thể không thông cảm cho người Hồi Giáo hoặc người Syria, và có những người Mỹ gốc Việt đang làm chính xác những việc như vậy, nói rằng chúng tôi là những người tị nạn Việt Nam. Chúng tôi, người Mỹ gốc Việt, là những người tị nạn tốt, chúng tôi không giống như người tị nạn Syria. Đó là cách chính xác mà Mỹ hóa, một trong những gương mặt của nó, thực hiện được.”
Khác với “The Sympathizer,” cuốn sách viết cho độc giả người Việt, “The Refugees” là tuyển tập của nhiều chuyện ngắn về người Mỹ gốc Việt và không phải cho độc giả Việt Nam. Tác giả thừa nhận, “khi tôi còn là một tay bút trẻ, tôi muốn nói lên sự vắng mặt hoặc khoảng cách đó trong những câu chuyện ngắn, nhưng nếu làm như vậy thì có nghĩa độc giả hàng đầu của tôi sẽ là người Mỹ. Người Việt đã biết những câu chuyện này rồi, bằng cách này hay cách khác.”
Nguyễn Thanh Việt mất gần 20 năm để viết những câu chuyện ngắn nói lên thắc mắc nội tâm về nhân cách, như kỳ thị chủng tộc, đồng hóa, văn hóa ưu thế đối với văn hóa bị ức chế, để nhận ra rằng anh không phải giải thích sự khác biệt về văn hóa cũng như màu da của riêng anh cho dân số dòng chính của Mỹ.
“Tôi là một tác giả ngang ngược và thách thức,” anh nhấn mạnh.

Nguyễn Thanh Việt (phải) và anh trai Tùng Nguyễn lúc còn nhỏ. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)
Nguyễn Thanh Việt (phải) và anh trai Tùng Nguyễn lúc còn nhỏ. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)

“Người thiểu số trong quốc gia này và hầu hết các quốc gia khác thường có cảm giác phải giải thích bản thân họ cho người thuộc dòng chính. Người thuộc dòng chính chưa bao giờ phải giải thích gì hết, vì họ tự cho rằng mọi người đã biết những giả định và có hiểu biết về họ. Thành thử, nếu bạn là tác giả trong dòng chính, bạn không phải giải thích. Lý do tôi nói tôi là một tác giả ngang ngược và thách thức là vì tôi nghĩ tất cả những tác giả thuộc dòng phụ nên là những tác giả ngang ngược và thách thức. Và nếu chúng ta giải thích, chúng ta sẽ là tác giả dòng phụ đến suốt đời. Công việc của tôi, một tác giả, là không từ chối văn hóa dòng phụ thiểu số nơi mà tôi lớn lên để tôi có thể viết về người Việt, nhưng tôi sẽ viết như là một tác giả dòng chính.”
“Cái động lực căn bản trong quốc gia này là một người thuộc dòng phụ chỉ có hai lựa chọn, thường là vậy, một là thuộc dòng chính, hai là thuộc dòng phụ. Đó là một trong những lý do tại sao nhiều người Mỹ gốc Á trong quốc gia này, hoặc là dính chặt với dân của họ, hoặc là tự đồng hóa với người da trắng. Họ lấy người da trắng chẳng hạn. Họ thường không kết hôn với người Nam Mỹ hoặc người Mỹ gốc Phi, và sự lựa chọn một-hoặc-hai này là cái lựa chọn tôi từ chối bởi vì tôi nghĩ nó tự động nhấn mạnh lại ưu thế dòng chính của người da trắng, và tôi cũng không thích thú xoa dịu nhóm dân đó cho lắm.”
“Người Mỹ gốc Việt là một trong những thiểu số ở quốc gia này, phải cố gắng vươn lên để sống Giấc Mơ Mỹ – một cách nói khác về một thuyết lý sâu sắc giữa người Mỹ. Trong khi đó, sự tồn tại của người Mỹ gốc Việt ở quốc gia này mang lại một lịch sử đi ngược lại với Giấc Mơ Mỹ. Hầu hết chúng ta sẽ không có trong quốc gia này nếu không phải do chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh đó, bạn có thể cải chính và tất cả những điều khác nhau, nhưng nó tồn tại trong lịch sử Hoa Kỳ như là một chương rất chia rẽ trong xã hội Mỹ, một phần là vì nó chống lại tất cả những lý tưởng cao quý của Mỹ. Cho nên chúng ta là một trong những hiện thân đang sống của mâu thuẫn sâu sắc trong lịch sử và tính cách Mỹ.

Nguyễn Thanh Việt và mẹ tại đồn điền cao su Ban Mê Thuột năm 1973. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)
Nguyễn Thanh Việt và mẹ tại đồn điền cao su Ban Mê Thuột năm 1973. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)

Người Mỹ, Nguyễn Thanh Việt diễn tả, “lạc quan một cách chóng quên.”
Hoa Kỳ thả bom tại Việt Nam nhiều hơn tất cả các bom Hoa Kỳ thả trước đó trong hai thế chiến, bao gồm hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Không thể nào phủ nhận quốc gia Việt Nam và con người Việt Nam có một chỗ đứng trong lịch sử Mỹ. Nhưng giống như những thành phần thiểu số khác, sự cố gắng để được thừa nhận, và từ đó tạo ra danh tánh trong một quốc gia di dân đa dạng như Hoa Kỳ, là nỗ lực không ngừng nghỉ và biến đổi qua nhiều giai đoạn. Quá trình này hiện rõ trong hành trình Nguyễn Thanh Việt trở thành một tác giả.
Anh hồi tưởng lại cú sốc văn hóa chủng tộc đầu tiên: “Tôi nhớ khi tôi đến San Jose cuối thập niên 1970, ba má tôi mở tiệm tạp hóa ngay trung tâm thành phố. Một ngày, tôi đi bộ xuống đường và thấy hàng chữ trên một cửa sổ của một tiệm khác, ghi, ‘Lại một người Mỹ bị thất nghiệp vì người Việt,’ và lúc đó tôi không biết phân biệt chủng tộc là gì hết, nhưng nó làm tôi bối rối. Tôi chưa bao giờ quên điều đó vì tôi thấy ba má tôi không làm ai thất nghiệp cả, bởi vì trung tâm thành phố San Jose lúc đó thật không phải là nơi tốt để sinh sống. Tôi cảm thấy, thật là sai khi đổ lỗi cho người Việt về vấn đề kinh tế đang xảy ra tại San Jose, và rõ ràng đó là vấn đề về văn hóa kỳ thị chủng tộc nơi đây.”
Chủng tộc, màu da có thể thắng các vấn đề khác
Nguyễn Thanh Việt chọn ngòi bút làm vũ khí cá nhân để giải quyết vấn đề danh tánh và văn hóa anh phải đối diện lúc trưởng thành.
“Tôi chắc chắn thuộc dòng chính khi nói về học vấn, ngôn ngữ, tài sản, nghề nghiệp, những thứ như vậy. Nhưng tôi không thuộc dòng chính khi nói về màu da. Và thực tế của quốc gia này là [màu da] vẫn còn rất quan trọng, như cuộc bầu cử tổng thống mới cho thấy. Và chủng tộc có thể thắng các vấn đề khác, theo đúng nghĩa đen. Đó là lý do tại sao tôi từ chối sự lựa chọn một-hoặc-hai của dòng chính hoặc dòng phụ, của đa số hoặc thiểu số. Một số tác giả không thuộc dòng chính quyết định không viết về lai lịch thiểu số của họ, nhưng thay vào đó họ quyết định viết về dòng chính, họ viết về người da trắng. Và một lần nữa đó là quy phục vào một lựa chọn sai lầm. Tôi sẽ viết như là một tác giả dòng chính nhưng cùng lúc cũng sẽ nói về người Việt Nam. Hai điều đó cần kết hợp với nhau. Những chiến lược đó là tâm điểm của những gì tôi cho là quyết định thuần mỹ mà tôi đã quyết định trong lúc viết các tác phẩm của tôi.”
Tác giả tiếp tục, “tôi phải trải qua một thời gian dài để hiểu lý do tại sao; điều này lý giải tại sao viết tuyển tập truyện ngắn trở thành phần cốt yếu trong giáo dục tự thân, trong vai trò một tác giả. Đây là cách tôi dạy cho bản thân trở thành một tác giả, bằng cách viết truyện ngắn. Lúc đầu tôi nghĩ tôi muốn giải thích về người Việt Nam cho những người không phải Việt Nam. Nhưng đến đoạn cuối thì tôi lại nghĩ tôi sẽ từ chối giải thích và sẽ viết về kinh nghiệm không thuộc dòng chính như thể tôi thuộc dòng chính; và từ đó dựng nên nền tảng cuốn ‘The Sympathizer,’ nó ngang ngược và tức giận hơn là ‘The Refugees.’”
Mặc dù Nguyễn Thanh Việt thuộc lớp người tị nạn Việt Nam đầu tiên thoát khỏi Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ, anh nghĩ anh may mắn khi đến Hoa Kỳ lúc mới bốn tuổi. Những người tị nạn Việt Nam lớn tuổi hơn thường mang theo vết sẹo chiến tranh và đã là người trưởng thành rồi. Họ có thể sẽ không bao giờ hội nhập vào xã hội Mỹ dễ dàng như lớp trẻ.
‘Tôi là người ngoài cuộc’
Nguyễn Thanh Việt là một phần của dòng phụ ngay cả trong những cộng đồng Việt Nam cho tới khi anh được giải Pulitzer. Anh thừa nhận, “từ bản thân là một người trẻ, tôi không có được di sản văn hóa, là sức mạnh hoặc là nhân chứng. Thật ra, tôi có mối quan hệ với cộng đồng Việt Nam như vậy cho tới năm ngoái. Tôi thuộc dòng phụ trong cộng đồng, vì tôi là người ngoài cuộc.”
Truyện duy nhất thuộc tiểu sử trong tuyển tập “The Refugees” là “War Years.” Trong đó, tác giả, một cậu bé giúp ba mẹ trông chừng tiệm tạp hóa tại San Jose, và quan sát những giao thiệp hàng ngày giữa mẹ của mình và khách hàng. Những thực tập quan sát này tất nhiên giúp anh trở thành một tác giả riêng biệt khác với nhiều người Mỹ gốc Việt, và khác với ngay cả người Việt sống tại Việt Nam. “Tôi cảm nhận rằng,” anh giải thích, “tôi xa cách cộng đồng người Việt, dù là ở đây hay ở Việt Nam, vì tôi chưa bao giờ thích hợp với cộng đồng này; và tới giờ vẫn chưa. Cùng lúc đó, điều này rất có lợi cho tôi ở vị trí một tác giả vì tôi biết đủ về Việt Nam và cộng đồng Việt Nam để hiểu nhiều những gì xảy ra, nhưng tôi lại ở bên ngoài nên tôi có thể nhìn thấy được những giới hạn của họ. Có nhiều người Việt Nam chìm sâu trong trong văn hóa Việt Nam quá mức, đến nỗi họ không thấy được những gì bên ngoài của nó, và đó là một vấn đề. Đối với các tác giả, điều cần thiết là có thể nhìn thấy được cả mặt trong và mặt ngoài của văn hóa mình đang viết.”
Những câu chuyện văn hóa
Trong “Other Men,” một truyện ngắn trong tuyển tập, Nguyễn Thanh Việt cho vai chính làm một người đàn ông đồng tính tị nạn từ Việt Nam, một người đang đối chọi với bản năng giới tính của chính mình trong lúc sống chung với hai người đàn ông đồng tính khác ở San Francisco. Mặc dù câu chuyện là hư cấu, tác giả công nhận nó có một chút tiểu sử về khía cạnh anh từng là một người kỳ thị giới tính trong những năm còn ở bậc trung học.
Anh nhớ lại kinh nghiệm khi một người nào đó thách thức lối suy nghĩ của anh về kỳ thị đồng tính ở trung học. Lúc đi làm, anh có đồng nghiệp là một cô gái đồng tính. Anh chẳng hề mảy may biết cô là người đồng tính; rồi viên quản lý của anh bảo, “Vâng, cô ấy là một người đồng tính.” Anh nói, “Thật hả?” và quản lý nói, “Vâng, cô ấy nghĩ anh kỳ thị giới tính.” Anh trả lời, “Thật hả?” Sau này anh giải thích, “Tôi nghĩ đó là giây phút khá thú vị cho chính tôi vì có một vài người khi bạn nói ‘bạn kỳ thị chủng tộc’ họ sẽ tự động nói ‘không.’ Họ sẽ như là ‘Không, tuyệt đối không! Tôi là một người tốt.’ Tôi nghĩ đó là sự đáp trả không lành mạnh bởi vì bạn nên chất vấn. Bạn nên có khả năng chất vấn chính bản thân, và trong trường hợp của tôi, tôi như là, ‘Ok, có thể tôi kỳ thị giới tính. Tôi phải tìm hiểu nó có nghĩa gì.’ Người Việt cũng vậy, thực ra, họ sẽ chối là họ kỳ thị chủng tộc mặc dù họ đang làm điều đó. Họ nghĩ kỳ thị chủng tộc là một cái gì đó kinh khủng, tồi tệ, và nó là những điều mà KKK làm. Thật ra, hầu hết mọi người kỳ thị chủng tộc một cách ẩn ý, ôn hòa, và có thành kiến, và việc chối bỏ nhận ra điều này chính nó là một vấn đề.”
Phóng viên nhật báo Người Việt hỏi Nguyễn Thanh Việt có bao giờ tự hỏi về những người thuộc giới đồng tính, đa tính, chuyển giới hay bị gán cho những thành kiến mà cộng đồng này thường gặp phải. Ngay cả suy nghĩ của anh cũng làm cho người khác phải đắn đo: “Tôi nghĩ những người kỳ thị giới tính theo định nghĩa sẽ không tự hỏi chính bản thân họ. Hầu hết mọi người nằm trong quang phổ từ 100% đồng giới tính và 100% không đồng giới tính. Chúng ta nằm đâu đó trong quang phổ này và trong trường hợp của tôi, khoảng 90% không đồng giới. Tôi bằng lòng với điều đó. Ví dụ, 10% có nghĩa tôi nhận ra đàn ông thì quyến rũ nhưng tôi không có cảm giác lôi cuốn. Tôi bằng lòng với nhận định đó và tôi nghĩ điều đó lành mạnh nếu bạn có thể bao dung sự thật là có một tập hợp nhiều màu sắc từ hầu hết nhiều người, nhưng nếu bạn tuyệt đối và căn bản chối bỏ cái khả năng đó thì bạn có thể không nhận ra điều đó, và đó là một vấn đề thật sự.”

Nguyễn Thanh Việt và gia đình tại San Jose năm 1976. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)
Nguyễn Thanh Việt và gia đình tại San Jose năm 1976. (Hình: Nguyễn Thanh Việt cung cấp cho Người Việt)

Gia đình: Người Mỹ gốc Việt thì cũng giống như tất cả người khác thôi
“The Refugees” là tác phẩm kể những câu chuyện của người Mỹ gốc Việt cho người Mỹ nghe. Nhưng nó có vẻ không nói nhiều lắm về hôn nhân đa chủng tộc, một đề tài về danh tính hôn nhân thu hút quan tâm của giới trẻ gốc Việt. Khi hỏi anh nghĩ gì về đòi hỏi của những cuộc hôn nhân dị chủng, những gia đình nhiều thế hệ, và gia đình Việt Nam truyền thống, anh chỉ nói thoáng qua. Nguyễn Thanh Việt chia sẻ: “Tôi được cha mẹ nuôi dưỡng. Họ tin rằng gia đình Việt Nam và con người Việt Nam là hoàn hảo bởi vì họ là người Công Giáo. Họ muốn tôi lấy một cô gái Việt, bởi vì phụ nữ Việt là nhất và trong trắng nhất và tất cả. Nhưng những cuộc tiếp xúc của tôi với những người gốc Việt, phụ nữ Việt, và đàn ông Việt thì sự thật là rất xa vời. Người Việt cũng giống như tất cả người khác thôi. Tôi có một chuỗi lý tưởng và đức hạnh dành cho những hành động giới tính mẫu mực của nam giới và nữ giới, của cha và mẹ, của mẹ và con. Nhưng trong thực tế, chúng ta lúc nào cũng phá vỡ những định mức văn hóa đó. Người Việt ngoại tình. Họ đối xử tệ bạc với nhau, với con cái của họ, và họ có cả những điều tốt.”
Những suy nghĩ kết
Thế nhưng, Nguyễn Thanh Việt giải thích, “tôi cố gắng không minh bạch về những điều mà người Việt đã biết rồi vì nếu chúng ta đã biết rồi, chúng ta không cần phải minh bạch. Trong người Việt, chúng ta biết là cha mẹ và con cái chăm sóc lẫn nhau nhiều giai đoạn trong cuộc sống họ. Điều đó ít khi nào cần phải nói ra. Nếu tôi nên nói lớn ra, thì tôi chắc sẽ phải giải thích cho một người nào đó không phải là Việt Nam và trong tuyển tập truyện ngắn tôi cố gắng không giải thích vì nếu bạn giải thích thì có nghĩa bạn tự động điều chỉnh mình về hướng độc giả không phải người Việt. Trong những câu chuyện này, mối quan hệ giữa người Việt với người Việt được những hiểu biết văn hóa thầm kín đưa đẩy. Đối với tôi, điều quan trọng là miêu tả và biết rằng những mối quan hệ này là bình thường. Bởi vì trong cộng đồng người Việt, những điều này là bình thường. Chỉ khi nào người nào đó không phải là người Việt gia nhập vào trong hình ảnh thì những mối quan hệ này không có vẻ là bình thường vì người đó có một hiểu biết khác. Và nếu người đó là da trắng thì tôi là một tác giả có lựa chọn giải thích hoặc không giải thích.”
Những cuộc phỏng vấn với các tác giả có tác phẩm lớn và những cá nhân sâu sắc thường đem đến sự hiểu biết thông suốt và nhiều sức mạnh có tính thúc đẩy. Cuộc nói chuyện của Nguyễn Thanh Việt với tư cách là một người Mỹ gốc Việt, về danh tính, văn hóa, kỳ thị chủng tộc, gia đình, và những thành quả cá nhân qua quá trình viết lách thì quả thật là những hiểu biết giúp nâng cao tri thức và thúc đẩy hành động sâu sắc. Một người không thể nào đạt được đến mức đó nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về tâm trí của người Mỹ gốc Việt. Có lẽ đó là lý do tại sao anh chọn ma, cả ma sống và ma chết, để làm vai chính trong chương đầu tiên của tuyển tập truyện ngắn “The Refugees.”
Ghi chú: Nguyên tác của bài báo, dài hơn, là của tác giả Titi Mary Trần, nhật báo Người Việt, đăng ngày 25 tháng Giêng, 2017. Bài được đăng lại với sự đồng ý của tác giả và nhật báo Người Việt, với một số hiệu đính của VOA.
*********
Nguồn:
http://www.voatiengviet.com/a/nguyen-thanh-viet/3694442.html

No comments:

Post a Comment