Sunday, April 29, 2018

Tháng 4 và những dòng sống Bến Hải

Tháng Tư và những dòng sông Bến Hải hôm nay, tôi là cậu thiếu niên 16 tuổi trong một phiên gác Nhân Dân Tự Vệ .. Trời mưa sấm và chớp, nhóm của tôi toán ba người đang rút vào nhà một người quen trú mưa chờ dứt phiên gác, và vô tình cùng gia đình họ ngồi nghe trực tiếp truyền thanh toàn bộ buổi bàn giao chức vụ Tổng Thống lịch sử.
__________________________________
.“…Đây là phóng viên Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam, quí thính giả đang theo dõi trực tiếp truyền thanh lễ trao nhiệm chức Tổng thống VNCH giữa ông Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh…
==> Thưa quí thính giả vào lúc này bên ngoài Dinh Dộc Lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…” .. Đó là nguyên văn câu mở đầu tường thuật của người phóng viên trong buổi lễ, giọng nói đầy xúc cảm của người phóng viên đó đã in sâu trong đầu tôi suốt bao nhiêu năm dài, chính câu nói đó chỉ trong mấy giây thôi, đã thay đổi tôi thành một người khác.
Tôi bỗng nhận ra tôi là ai. Tôi bỗng nhận ra hai chữ “đất nước” của người phóng viên vừa nhắc đến đó chính là “đất nước” hiện tại của tôi đang sống, đang thở. Cái “đất nước” đã nuôi tôi khôn lớn, đã cho tôi những tháng ngày tươi đẹp của tuổi ấu thơ, đã dạy cho tôi bao điều hay lẽ phải trong trường lớp…
Đau đớn thay, tôi biết cái “đất nước” này của tôi đang hấp hối, nó đang thoi thóp những ngày cuối cùng. Tôi thương “đất nước” của tôi quá! Tôi tiếc nuối, tội nghiệp cho nó quá ! Nhưng biết làm gì hơn khi bánh xe lịch sử đang quay cuồng trong cơn giông tố của thời đại.
“Thưa quí thính giả, vào lúc này bên ngoài Dinh Độc Lập chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa nhỏ và Saigon đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước…”
Trời đang đổ mưa hay đang nhỏ lệ ?
Ôi có buổi chiều nào u ám như hoàn cảnh của đất nước tôi chiều ngày 28-4 ! và đã hơn bốn mươi mấy năm rồi, và câu nói đầy xúc cảm đó đến nay như vẫn còn văng vẳng bên tai.
==> 30-4-1975 Ngày Định Mệnh.
Nhà tôi ngay mặt tiền đường Trương Minh Giảng. Quận 3, bây giờ thì họ gọi là đường Lê Văn Sĩ, truớc đó, có thời tên là đường Nguyễn Văn Trỗi, đây là một trong ba con đường chính dẫn đến phi trường Tân Sơn Nhất của Sài gòn, từ nhà tôi, mấy ngày nay đã có thể dễ dàng trông thấy những cụm khói bốc lên từ phía phi trường cùng những tiếng nổ ì ầm vọng lại…
Sáng ngày 30-4 ,bỗng nhiên vắng lặng một cách lạ lùng. Không có tiếng súng. Không bóng người trên đường phố, khoảng 8 giờ sáng từng tốp nhỏ những người lính Cộng Hòa từ phía phi trường đi bộ lên. Không đội hình. Không súng ống. Một số không cả ba lô hành trang nào cả. Những người lính đi mà hình như không biết đang đi đâu. Họ chỉ đi…
Một tốp lính khoảng chừng 10 người dừng lại trước nhà tôi. Những người lính rất trẻ. Họ bắt đầu cởi áo lính.
Nhà tôi lúc đó có một người anh họ là Trung úy Bộ binh, từ Phan Thiết dẫn được vợ con chạy kịp về Sài Gòn mấy ngày trước, tỵ nạn trong nhà. Anh ấy và ba tôi nói chuyện gì một lúc, tôi thấy hai người gom một mớ quần áo và tiền. Xong, anh tôi ôm mớ quần áo và tiền đó mở cửa bước ra trao lại cho những người lính này. Anh tôi bắt tay vài người, vỗ vai an ủi vài người lính khác…. Họ có nói với nhau vài lời nhưng tôi không nghe rõ. Trước khi trở lại vào nhà, anh móc túi lấy gói thuốc trao lại cho một người lính trong đó.
Vài tiếng sau, một đoàn lính khác từ phía phi trường đi bộ lên
Rất đông.
Họ đi ngay hàng thẳng lối, nép sát dưới những mái hiên.
Đội hình kỷ luật. Ba lô súng ống đầy đủ.
Và im lặng.
Toán bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt đầu tiên tiến vào Sài Gòn từ ngã phi trường.
Thành phố tôi ở chính thức đổi chủ,
… và đổi tên .
Những dòng sông Bến Hải hôm nay.
Năm 1954, hiệp định Geneve lấy dòng sông Bến Hải chia đôi hai miền Nam-Bắc, bắt đầu cho cuộc chiến tranh ý thức hệ huynh đệ tương tàn.
30-4-1975, nội chiến chấm dứt. Dòng sông hiền hòa ở vĩ tuyến 17 đó không còn chia cách núi sông đôi miền đất nước nữa, nhưng đã có biết bao con sông Bến Hải khác…
Có trong tim của hàng triệu người dân Việt dòng sông Bến Hải của bên thắng cuộc và người thua cuộc !
Có trong tim của hàng triệu người dân Việt dòng sông Bến Hải của người giải phóng và người bị giải phóng !
Có trong tim của hàng triệu người dân Việt dòng sông Bến Hải của ngày chiến thắng 30 tháng tư và ngày quốc hận 30 tháng tư !
Và có trong tim của ông Võ Văn Kiệt hàng triệu dòng sông Bến Hải khác.
Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, Cố cựu Thủ Tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt phát biểu :
– “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.
Có lẽ đó là câu nói thành thực nhứt của một nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam kể từ khi đảng Cộng sản được thành lập.
Đã bốn mươi mấy lần tháng Tư.
Bạn ở trong số hàng triệu người vui, và nếu vẫn còn vui thì…cứ vui.
Tôi ở trong số hàng triệu người buồn kia, mối hờn ... chất chồng theo năm tháng…
Xin hết




























No comments:

Post a Comment