Sunday, April 29, 2018

Sống Chẳng Còn Quê - Bác Sĩ Trần Xuân Dũng

 Bác Sĩ Dũng lúc thăng cấp Thiếu Tá
Tuần trước, tôi có dịp hàn huyên với Bác sĩ Trần Xuân Dũng và đã được ông tặng bản in đặc biệt của cuốn Hồi Ký của ông với tựa đề “Sống Chẳng Còn Quê”.
Cuốn tự truyện của Bác sĩ Dũng dầy 685 trang (A5), bìa trước in hình Quê cũ của ông, với căn nhà gỗ phên nứa, có dàn mướp leo trước nhà, bìa sau là hình ảnh “Quê Người” đang độ vào Thu với cây sồi lá đã đổi qua mầu vàng rực rỡ.
Tôi đã đọc nhiều Sách, nhiều Tiểu Thuyết, nhiều Hồi Ký, cuốn nào cũng dầy, cũng có hình ảnh, trung bình là khoảng 400 trang, ít khi có một nhà văn, nhà thơ nào dám viết, dám in một cuốn sách dầy trên 500 trang. Vậy mà Bác sĩ Dũng dám viết, dám in một cuốn Hồi Ký 685 trang (chưa kể hai trang bìa)!

3. Quê Mới
Có người dám viết một cuốn Hồi ký 685 trang thì cũng có người dám đọc hết 685 trang hồi ký đó.
Tôi đọc liên tiếp năm đêm, đọc từng trang sách, xem từng tấm hình do gia đình cung cấp và do ông tự chụp. Tôi đọc say mê, đọc không sót một chữ, xem không thiếu một tấm hình nào cả, đọc nguyên cuốn trong suốt năm đêm liên tục.
Cuốn Hồi Ký này có gì đặc biệt mà tôi phải thức năm đêm liền để đọc, mà lại đọc say mê?
Bác Sĩ Dũng
Đó là vì cuốn Hồi Ký đã kể lại cuộc đời của ông từ khi ông mới sinh ra đời (1939) cho tới khi định cư ở Úc Đại Lợi từ năm 1978 cho tới nay, 2018.
Lịch sử Việt Nam cận đại với những biến chuyển quan trọng, từ lúc giao thời của Hoàng Đế Bảo Đại (1930), của Chính Phủ Lâm Thời của Trần Trọng Kim, của Việt Nam Quốc Dân Đảng, của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, nạn đói năm Ất Dậu, cho tới cuộc di cư vào Nam của hơn một triện người Việt nam, tới cuộc chiến tranh xâm lược của Việt Cộng và cuộc di cư lần thứ hai của người dân Việt 1975. . . tất cả đều gói ghém trong cuốn hồi ký này.
Do đó, tôi có thể nói, cuốn Hồi Ký của Bác sĩ Trần Xuân Dũng là một cuốn Lịch Sử Việt Nam Rút Gọn vậy.
Đó là lý do tôi đã đọc hết cuốn Hồi Ký, đọc từng trang, đọc say mê và giới thiệu với quý vị để cùng đọc cho vui, cho biết những biến chuyển lịch sử của nước nhà.
Ngoài cái việc làm Bác sĩ ra, Trần Xuân Dũng còn có gì đặc biệt hay không?
Nhiều lắm bạn ạ!
Điều đầu tiên mà tôi phục là, sau khi tốt nghiệp Y Khoa tại Sài Gòn năm 1965, được trưng tập làm Y Sĩ Tiền Tuyến (dân y trưng tập vào Lính), ông đã dám . . . Đăng Lính Thủy Quân Lục Chiến, làm Y Sĩ Trưởng cho Tiểu Đoàn 4, đóng tại Vũng Tầu.
Trận ra quân mở hàng của ông vào năm 1966 là ở ngay phía Tây của thành phố Sài Gòn, nhưng không phải là ở văn phòng, ở Quân Y Việt đâu, mà là ở ngay tuyến đầu Bà Hom của Tiểu Đoàn 4. Lính Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận đổ quân xuống xã Vĩnh Lộc, hành quân tìm và diệt địch. Người Lính đánh tới đâu, bị thương ở chỗ nào, bất kể đó là nơi tuyến đầu hay lúc xung phong, là Y Sĩ Dũng và toán quân y của ông có mặt nơi đó để lo cho anh em được an toàn, để giữ lại mạng sống cho người Lính Thủy Quân Lục Chiến.
Rời chiến trường Vĩnh Lộc, tiểu Đoàn lại được trực thăng thẩy vào ngay giữa trận địa vùng Kinh Sáng và Kinh Ba Tà để tăng viện cho một tiểu đoàn Biệt Động Quân đang chạm địch từ tối hôm qua. Khi được lệnh đi tìm và cứu những thương binh Mũ Nâu, ông và toán quân y đi hết cánh đồng này tới cánh đồng khác, chỉ thấy xác chết của Lính Mũ Nâu chứ không có một thương binh nào cả. Y sĩ Dũng đã ôm máy truyền tin thảng thốt báo cáo:
“Trận chiến không có thương binh!”
Đúng vậy!
Nhưng có nghỉa là gì?
Nghỉa là, trước khi rút lui, bọn Việt Cộng đã dã man tàn sát tất cả những chiến binh Biệt Động Quân, dù là còn sống hay đã bị thương.
Có một Hạ Sĩ Biệt Động Quân chết gục trên khẩu Đại Liên M60, Y sĩ Dũng lật ngửa xác người Lính lên để xem còn cách nào cứu anh ta hay không: Trên cổ người Lính có mang sợi giây chuyền đeo chiếc thánh giá, bọn Việt cộng đã giết anh ta bằng cách bắn từng viên đạn lên ngực anh ta, bắn chéo thành hình Chữ Thập của cây thánh giá. Người Hạ sĩ đã bị bắn khoảng hàng chục viên đạn vào ngực và một phát vào đầu. Bị bắn kiểu này không phải là bị bắn trong lúc giao tranh, mà là bị hành hình! Chắc rằng, trong khi giao tranh, bọn Việt Cộng đã bị khẩu Đại Liên này giết nhiều lắm, cho nên khi anh đã bị trúng đạn ở đầu rồi, chúng đã nhào lên bắn thêm cả chục viên đạn vào xác người Lính Biệt Động để trả thù. Những xác chết khác, đều bị rất nhiều vết đạn ở trên người, chứng tỏ rằng, khi họ chỉ bị thương, còn sống, còn có thể chữa trị, nhưng bọn ác ôn côn đồ Việt cộng trước khi rút lui, đã tàn nhẫn bắn hàng loạt đạn vào thân hình những thương binh Biệt Động Quân để hủy diệt mạng sống của họ.
Rời Tiểu đoàn 4, ông được đổi về Tiểu đoàn 6, rồi Tiểu đoàn 3 và đến đầu năm 1968, ông được thăng cấp Y Sĩ Trưởng của Chiến Đoàn B Thủy Quân Lục Chiến để trở lại giải cứu Sài Gòn đang bị bọn Việt cộng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân. Đúng ngày Mùng Một Tết (30/01/1968), chiến đoàn đổ quân xuống ngay Bộ Tổng Tham Mưu để từ đó hành quân diệt Cộng tại Trường Tổng Quản Trị, Sinh Ngữ Quân Đội, Chùa Ấn Quang, đường Nguyễn Duy Dương và Bà Hạt. Chính tại nơi này, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đã bắt được tên phiến loạn Bẩy Lém (Lốp). Tên này được coi là phiến loạn vì y không mặc quân phục của Cộng Sản Bắc Việt hoặc của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mà đã dùng vũ khí bắt chết rất nhiều sĩ quan trong Trại Gia Binh, và nhất là y đã giết hại cả gia đình của Trung Tá Nguyễn Tuấn gồm hai vợ chồng và 6 đứa con nhỏ. Chính vì lý do này mà khi Thiếu tá Ngô Văn Định (Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 TQLC) giao hắn lại cho Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tướng Loan đã xử bắn y ngay tại chỗ.

5. Bẩy Lớp
Thiếu Tá Ngô Văn Định (cầm súng Colt) đang dẫn tên Bẩy Lốp tới gặp Tướng Loan.

Một hôm, Chiến đoàn họp hành quân, Y Sĩ Trưởng của Chiến đoàn cũng được tham dự. Khi được biết pháo binh của TQLC sẽ bắn vào khu Đồng Ông Cộ trước khi các tiểu đoàn hành quân diệt đich, Y sĩ Dũng đã hốt hoảng ra mặt, vì đó là nơi cư ngụ của gia đình ông, ba mẹ và các anh em cháu của ông, làm sao bây giờ? Sau phiên họp, ông đã xin gặp riêng vị sĩ quan pháo bịnh, nói cho ông hay cớ sự và xin rằng:
“Anh rót cho khéo nhé, lỡ lầm vào nhà tôi,
Nhà tôi ở giữa vùng Đồng Ông Cộ,
Có dàn mướp đắng, có những người tôi thương . . .”
(Hồi đó, nhạc sĩ Anh Bằng chưa sáng tác bài Dàn Hoa Thiên Lý).
Quả thật, đạn pháo binh đã né nhà ông, cả nhà được yên lành.
Sau trận Mậu Thân, Y sĩ Trần Xuân Dũng được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc.
Điều thứ Hai mà tôi phục là . . .Bác sĩ Dũng làm bác sĩ theo đúng lời thề của sư tổ Nghành Y Khoa (The Hippocratic Oath), chỉ chữa bệnh cho người có bệnh và giúp người chứ không cần kiếm nhiều tiền. Thì giờ còn lại, ông dùng để viết Sử Sách cho đời sau.
Ông nói với tôi một câu đáng nể:
“Người ta thường khoe với nhau: “Tôi có bốn năm căn nhà . . . tôi lái chiếc xe Mercedes ba bốn trăm ngàn . . . Đối với tôi thì lại khác, tôi chỉ có một căn nhà cho mẹ con chúng nó ở thôi, chạy xe thì tôi chạy chiếc Jeep (Vì đây là chiếc xe đầu tiên tôi được lái ở trận tiền, sau này mua xe, cũng chỉ xe Jeep mà thôi). Nhưng tôi đã viết được hai cuốn sách lưu lại cho hậu thế:
Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến và
Lịch Sử Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Để cho hậu thế biết rằng, ngày xưa, có một quốc gia tên là Việt Nam Cộng Hòa Tự Do Dân Chủ, được bảo vệ bởi một quân đội tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Một trong những binh chủng xuất xắc của Quân Lực này là Thủy Quân Lục Chiến, họ được săn sóc bới những Y sĩ xuất xắc của Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”
Hồi 1981 mới qua Úc, tôi xin làm thợ sơn xe cho hãng xe Nissan. Tôi cần việc làm nên nhận đại là mình biết sơn chứ đã có bao giờ tôi cầm tới cái chổi sơn đâu, nói chi sơn bằng máy. Vì chằng có nghề, nên cái máy sơn quần tôi thê thảm, mệt quá tôi nghỉ đại một vào ngày, tới bác sĩ Dũng xin cái giấy chứng nhận nghỉ bệnh.
Sở dĩ tôi tới ổng là vì, nghe nói ổng hồi xưa cũng là Lính, tức là . . . phe ta . . . tức là cũng có phần nào . . . Huynh Đệ Chi Binh giúp đỡ nhau. Đang ngồi chờ, gặp một thằng bạn đi ra, mặt mày buồn xo, nói với tôi:
“Tao nghỉ đi chơi hai bữa nay, tới xin ổng cái giấy chứng nhận có cảm cúm chút xíu để nộp cho hãng, ổng không những không cho mà còn lên lớp tao:
“Còn mạnh khỏe thì . . . cứ đi làm mà kiếm tiền, có bệnh thật thì tôi chứng, chứ đang khỏe mạnh như thế này, làm sao mà tôi ký giấy bệnh cho anh được.”
Tôi chia buồn với người bạn nhưng trong lòng cũng nổi lên ý kiến: Ông bác sĩ này cũng . . . ngon, có bịnh mới khám, không có bịnh thì đi chỗ khác chơi.
Tới phiên tôi, tôi khai đau tay quá, không dở lên nổi, bác sĩ Dũng nắm bắp tay tôi bóp nhẹ, tôi la làng vì đau, tức là có bịnh thiệt. Ông lấy cây đèn có ánh sáng mầu đỏ chiếu vào bắp thịt tay của tôi một hồi rồi cho thuốc giảm đau, rồi chứng nhận cho tôi cần nghỉ hai ngày. Trong khi viết toa, ông hỏi tôi hồi xưa ở Việt Nam làm gì? Tôi nói hồi xưa đăng Lính Biệt Động, ổng nói ổng cũng đăng Lính, Lính Thủy Quân Lục Chiến . . . thế là chúng tôi quen nhau.
Qua vài lần khám bệnh khác, mỗi lần nói vài câu xã giao, tôi mới biết ra là bác sĩ Dũng học cùng lớp, cùng trường Chu Văn An với anh Hiệp của tôi. Khi nhắc tới anh lớn của tôi, bác sĩ Dũng sáng mắt lên nhắc lại chuyện xưa:
“Tôi với anh Hiệp học chung với nhau từ Đệ Thất ở Chu Văn An, năm nào cũng một đứa bàn trên, một đứa bàn dưới cho đến Đệ Nhất. Vào trường Y, hai đứa cũng học chung với nhau, ra trường chọn đơn vị, anh Hiệp về Trung đội Lựa Thương Quảng Đức, tôi về Thủy Quân Lục Chiến.”
Vì anh là huynh trưởng của tôi (đi lính từ năm 1965), nay lại là bạn cùng lớp với anh cả của tôi nữa, nên từ đó, tôi gọi anh là Anh Dũng.
Trở lại cuốn hồi ký của bác sĩ Dũng,

 
Như tôi đã nói ở phần đầu, cuốn Hồi Ký của Bác sĩ Trần Xuân Dũng tạm được gọi là một cuốn Lịch Sử Việt Nam Cận Đại Rút Gọn, vậy chúng ta hãy cùng nhau . . . đi vào lịch sử mà anh bác sĩ Dũng đã gom lại trong cuốn hồi ký của ông, khởi hành từ Lạng Sơn, vùng giới tuyến địa đầu Việt Nam và Trung Cộng:

“Tôi sinh năm 1939 tại Làng Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam . . . Ba tôi theo Tây Học. Cuối năm thứ tư bậc trung học, ba tôi thi đậu bằng Diplome, ông nộp đơn xin đi làm công chức sở hỏa xa và được gởi đi làm ở Nhà Ga Đồng Đăng. Nơi này rất nổi tiếng trong văn chương Việt Nam:
“Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa,
Có Nàng Tô Thị, có Chùa Tam Thanh . . .”
Ga Đồng Đăng
Ga Đồng Đăng
Từ trái qua phải, tòa nhà thứ hai là tòa nhà chính của Ga Đồng Đăng. Nửa bên phải của tầng trên là nơi chúng tôi cư ngụ (1942).

Đã có lần ba tôi đưa chúng tôi đi thăm Động Tam Thanh (Chùa Tam Thanh ở trong động Tam Thanh này). Chỉ nhớ rằng hôm đó trời rất nóng, nhưng bước vào trong động thấy mát rượi.
Giếng Tiên
Giếng Tiên.

Sau đó được đi thăm Giếng Tiên. Miệng giếng ngang với mặt đất, nước mấp mé gần miệng, ngồi xổm xuống có thể dùng một cái bát hay một cái gầu cũng múc nước được. Nếu nhiều người cùng dùng thùng liền tay múc nước, thì mực nước sẽ xuống, nhưng chỉ một hai phút sau nước lại lên cao gần miệng giếng như cữ. Vì thế người ta mới gọi là Giếng Tiên, không bao giờ cạn nước và không bao giờ tràn ra ngoài, đầy rồi thì thôi.
Đối với một cậu bé ba tuổi, nhớ được nhiêu đó chuyện là quá hay rồi.
nang-to-thi
Núi Vọng Phu có Nàng Tô Thị bồng con đứng chờ.
Từ những di tích mà anh Dũng còn nhớ, và theo nhiều trang mạng trên internet, chúng ta biết thêm rằng, trong quần thể núi đồi vùng Lạng Sơn, có một ngọn núi tên là Vọng Phu. Trên đỉnh núi này có một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa. Từ xưa tượng đá này đã gắn với truyền thuyết về một người con gái chung thuỷ đứng chờ chồng đi lính. Chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hoá thành đá, từ đó người dân gọi đây là tượng Nàng Tô Thị.
Ra khỏi Đồng Đăng, còn rất nhiều thứ gợi nhớ nhung, hoài niệm cho chúng ta: Quỷ Môn Quan, Ải Chi Lăng và cuối cùng là Ải Nam Quan.
Ở Đồng Đăng một thời gian, ba của anh Dũng được đổi về miền đồng bằng, đó là thị trấn Vinh của tỉnh Nghệ An.
Thành phố Vinh thật là yên tĩnh, đa số người dân đều di chuyển bằng cách đi bộ, cả tỉnh có hai chiếc xe đạp, xe hơi thì hầu như không có (thỉnh thoảng cũng có xe nhà binh của Pháp chạy ngang).
Biến cố súng đạn lớn nhất mà lần đầu tiên trong đời bác sĩ Dũng được chứng kiến xẩy ra vào ngày 9 tháng 3 năm 1945:
“Hôm đó là ngày 9 tháng 3 năm 1945, tôi đang ngồi trong cửa  sổ ăn quà sáng và nhìn ra đường.
Nghe tiếng xôn xao, tôi cũng đưa mắt nhìn ra đường: Mấy người lính Nhật đang ôm súng ngồi trên chỗ ghế của hành khách, còn những người đang kéo xe lại là những ông Tây. Cũng có cả một hai bà Đầm bị kéo xe có lính Nhật ngồi trên. Bọn lính Nhật cười nói huyên thuyên nhưng mắt vẫn theo dõi những người Pháp kéo xe.
Những người Pháp này, mới hôm qua đây, còn là những ông quan cai trị. Nhật vừa đảo chính Pháp được có vài tiếng đồng hồ trên toàn cõi Việt Nam. Bây giờ người Nhật đang lên voi, còn Pháp xuống chó.
Từ khi quân Nhật chiếm đóng vùng Đông Nam Á, nhiều người dân Việt tưởng rằng thời kỳ đô hộ của Pháp đã chấm dứt, chúng ta đã được độc lập tự do. Sự thật không phải như vậy, dân Việt vẫn phải chịu nhục đô hộ, nhưng thay vì bị người Pháp da trắng đô hộ, thì nay kẻ đô hộ chúng ta cũng là dân da vàng với nhau. Thay vì cùng là một mầu da, nhưng sự đô hộ của họ còn khắt khe và tàn nhẫn hơn nữa. Vì sự tàn bạo đó mà dân Việt đã gọi bọn họ là “Nhật Lùn”.
Tàn bạo hơn nữa, chúng còn bắt dân ta nhổ hết lúa lên để trồng đay, vì đay có nhiều chất sợi, bọn chúng cho chở về Nhật dệt thành vải may quần áo cho binh lính của họ. Nơi nào lúa đã chín thì họ tịch thu hết đem về Nhật. Ở miền Bắc, do thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh . . . gây mất mùa. Đói kém lại thêm vào bệnh tật, bệnh dịch tả lan tràn khắp nơi, người chết không có ai chôn, nên đành đào những huyệt lớn bỏ hết những thân xác vào trong đó, đổ vôi lên rồi lấp đất chôn. Đó là nạn đói năm Ất Dậu, trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, đã làm gần hai triệu người dân chết đói.
Nạn Đói Tại Việt Nam
Nạn đói này chấm dứt vào khoảng tháng 5 năm 1945, anh Dũng kể tiếp:
“Từ ngày 17 tháng Tư năm 1945, chính phủ Việt Nam đầu tiên được thành lập, do ông Trần Trọng Kim là thủ tướng. Mặc dù phương tiện và nhân lực hạn chế, thủ tướng Kim đã cố gắng cho chuyển gạo từ Nam ra Bắc để cứu đói, những nạn nhân còn sống sót được đưa vào những trung tâm cứu trợ để được săn sóc, thêm vào đó, vụ mùa tháng 5 1945 vừa đến lúc thu hoạch, dân chúng đã bắt đầu có gạo ăn.
Sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào ngày 6 tháng Tám năm 1945, quân đội Nhật đã biến đi đâu hết, không còn thấy xuất hiên trên đường phố ở Vinh nữa.”
Đến khoảng giữa tháng Tám năm 1945, một sự kiện thứ hai đã xẩy ra trong cuộc đời của anh Dũng:
“Lúc đó vào khoảng 11 giờ sáng, một đoàn người mặc quần xóoc trắng ngồi trên xe đạp nối đuôi nhau, họ đạp từ phía nhà ga hướng về nhà tôi, tôi đếm được 15 người cả thẩy, mỗi người đều cầm một lá cờ đỏ sao vàng. Người dẫn đầu tay trái cầm một cái loa đưa lên miệng hô đi hô lại: “Ba giờ chiều nay, mời đồng bào đi ra sân vận động để dự cuộc mít tinh “.
Chẳng bao lâu, sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, ai cũng biết đến một cái tên mới của Việt Nam: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch nước. Ở mọi nơi, từ công sở cho tới trường học, ngoài chợ và trong cả nhà dân nữa, đâu đâu cũng thấy treo hình ông này.
Chuyện gì phải đến, đã đến: Việt Minh thanh toán những đảng phái quốc gia đã từng cùng nhau cộng tác chống lại sự đô hộ của người Pháp. Đầu tiên là những đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng:
“Một hôm, một số Việt Minh vác loa đi khắp tỉnh, rao lên rằng:
Xin mờ đồng bào, mười giờ sáng mai, hãy tập trung tại cửa Tả để nghe xử án.”
Ngày hôm sau, anh Ninh (Trần Xuân Ninh) và tôi ra chỗ đã dặn để xem xử án. Lúc đó, anh Ninh được 9 tuổi và tôi 6 tuổi. chúng tôi đến sớm, nhưng đám đông đã đến sớm hơn, đang chờ sẵn bên đường. Phía trước chỗ chúng tôi đứng, có đóng sẵn hai cái cọc, cao chừng hai thước.
Đây rồi, một nhóm người đang tới, tám chín người đang dẫn hai người bị trói giật khuỷu tay ra đằng sau, mỗi người này đều được mặc một bộ quần áo trắng mới tinh.
Xử Án
Một người cầm loa nói to: “Xin đồng bào chú ý nghe xử án”
Một người khác cầm một tờ giấy đọc một hơi những điều gì đó tôi không hiểu, người này đọc câu chót: “Phải xử tử hai tên Trần Văn Cống và Tống Gia Liêm này. Chúng là Việt Nam Quốc Dân Đảng.”
Anh ta hất hàm ra hiệu. Mấy người trong bọn xông lại, kéo hai người đó trói vào hai cây cột đã đóng sẵn. Xong, chúng dùng hai miếng vải trắng bịt mắt hai người lại.
Sáu người cầm súng tiến ra phía trước . . .
Người chỉ huy hô to: “Bắn”
Trên bộ quần áo trắng của hai người bị trói, nhiều khoảng máu đỏ tươi lan ra nhanh . . .
Một số người đứng xem vùng bỏ chạy, sô đẩy nhau . . .
Kể từ đó, mối nguy hiểm xẩy ra cho mọi người dân Việt, gia đình anh Dũng cũng không ngoại lệ:
“Bỗng một hôm ba tôi bị Việt Minh bắt. Mợ tôi chẳng biết phải làm thế nào.
Riêng tôi rất lo sợ. Liệu ba tôi có bị bắt mặc một bộ quần áo trắng giống như hai người đã bị bắn không?
Đến ngày thứ tư, Việt Minh cho người đến nói rằng, ba tôi hiện bị giam trong nhà tù Vinh, người nhà mỗi ngày phải đem cơm vào nuôi người tù, ngày hai bữa.
Trưa hôm sau, mợ tôi bế Minh Nguyệt vừa mới sinh, anh Ninh bế Tường Vi, tôi xách một cà mèn cơm đi tới nhà tù.
Đến 12 giờ, một người dẫn ba tôi ra tới bên song cửa sắt. Ba tôi mặc bộ quần áo tù mầu xám, có số. Tôi mừng thầm vì thấy ba tôi không bị mặc bộ quần áo mầu trắng. Mợ tôi khóc, nước mắt ràn rụa. Ba tôi mếu máo, thò tay qua những song sắt xoa đầu chúng tôi. Ba mợ tôi nói chuyện với nhau được khoảng năm bẩy phút, người kia lại đến. Tôi đưa ca men cơm vào tay ba, người kia lôi ba tôi đi về phía trái, ba tôi cứ quay đầu lại, chúng tôi cố nhìn theo.”
Vận hạn đen đủi cứ theo đuổi gia đình họ Trần mãi, mợ anh đã phải bán hết tất cả đồ đạc trong nhà để lo cho ba anh được ra tù, tìm đường trốn về quê nội ở Hà Nam, người mẹ dẫn đàn con đi theo sau.
Đói khổ, bệnh hoạn, mợ của anh dẫn đàn con về tới quê nội thì kiệt sức, đứa con gái mới sinh chết vì mẹ không có sữa cho con bú, mẹ chết vì kiệt sức. 
Không còn cách nào sống, người cha phải liều chết đưa ba đứa con chạy giữa hai lằn đạn của Pháp và Việt minh, may mắn về tới Hà Nội. 
 Cuộc sống của ba cha con khá hơn được một chút, ba anh tìm được việc làm, ba anh em của anh đều được đi học trở lại cho tới năm 1954, ba anh lại một lần nữa dẫn ba đứa con bỏ quê nội ở Hà Nam để lên đường vào Nam tìm tự do.
Ba anh gởi ba anh em cho người chú để đi theo đoàn quân của ông lên máy bay vào Nam, còn ông ở lại làm việc ở nhà ga xe hỏa tới ngày cuối cùng của cuộc di cư, ông mới cùng toán hỏa xa vào Nam năm 1954.
Hai anh em đều được nhận vào trường Chu Văn An, anh Trần Xuân Ninh vào lớp Đệ Nhị, còn Trần Xuân Dũng vào lớp Đệ Tứ.
Học xong trung học, anh Ninh tính cùng với mấy người bạn vào Không Quân, nhưng cuối cùng anh đổi ý học Y Khoa.
Anh Dũng, sau khi đậu Tú Tài II, định học luật, rồi Dược, cuối cùng vẫn không biết nên học môn gì. Anh Ninh xúi vào:
“Thế thì mày cũng vào học Y giống tao đi!”
Thế là anh Dũng ngày ngày đạp xe đạp từ Đồng Ông Cộ tới trường Đại Học Y Khoa để học, trở thành bác sĩ. 
Ra trường, khi chọn đơn vị, anh nhìn tới nhìn lui, những chỗ nào có Chữ Phúc, chữ  Lộc, chữ Thọ, đều có đứa chọn hết rồi, anh nhớ tới câu ca dao mà bà nội đã thường đọc:
“Làm Trai cho đáng nên Trai,
Xuống Đông, Đông tịnh, lên Đoài, Đoài tan”
Anh Dũng đứng thẳng người đưa tay lên cao, xin gia nhập đơn vị Thủy Quân Lục Chiến.
Người Y sĩ khi gia nhập quân đội, cũng chịu hiểm nguy và chết chóc y như một người lính bình thường. Mặc dù nhiệm vụ của họ chỉ là cứu thương, được đơn vị hành quân bảo vệ nên đỡ phần nguy hiểm, tuy nhiên, cũng vì được bảo vệ, nên trong trường hợp bộ chỉ huy bị tấn công, họ khó bề tự mình chống trả, vì không đủ vũ khí cá nhân bên cạnh và cũng không được huấn luyện để chiến đấu như một người lính.
Một khi tình nguyện gia nhập những đơn vị thiện chiến và chuyên nghiệp, như Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, vì mức độ nguy hiểm, thương vong của đơn vị này cao hơn so với các đơn vị khác, do đó, mỗi tiểu đoàn có một Y sĩ và 1 trung đội quân y. Khi tiểu đoàn đi hành quân, Y sĩ cũng phải đi theo.
Nếu chọn những đơn vị bộ binh, vì mức độ nguy hiểm và thương vong của đơn vị này thấp hơn, nên mỗi Trung đoàn (3 tiểu đoàn chiến đấu) mới có một Y sĩ và một trung đội quân y. và chỉ khi nào cả trung đoàn đi hành quân, Y sĩ mới đi theo mà thôi.
Riêng đối với Biệt Động Quân, mặc dù cũng là đơn vị thiện chiến và chuyên nghiệp, nhưng vì từ lúc khởi đầu, Biệt Động Quân được tổ chức theo phương thức gọn, nhẹ, nên mỗi tiểu đoàn chỉ có 3 đại đội tác chiến, do đó, ở cấp Liên đoàn (3 tiểu đoàn) mới có một Y sĩ.
Thủy Quân Lục Chiến cấp tiểu đoàn thường đi hành quân liên miên, cho nên Y sĩ Trần Xuân Dũng ít khi được ở nhà. Nhất là khi tiểu đoàn tham dự những trận đánh tiêu diệt Việt Cộng ở Sài Gòn và vùng ven đô, lính Cộng Hòa và Việt cộng đánh nhau bắn nhau ở khắp hang cùng ngõ hẻm, việc băng bó và di tản thương binh thật là khó khăn và nguy hiểm, và đám nằm vùng trú ẩn ở khắp mọi nơi, Y sĩ Dũng đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, một Y sỉ Thủy Quân Lục Chiến.
Khi đã chọn đời Lính, nhất là Thủy Quân Lục Chiến, là phải chọn hiểm nguy, chấp nhận thương đau . . .
Một Là Xanh Cỏ - Hai là Đỏ Ngực.
Cũng vì chấp nhận hiểm nguy, nên sau trận Mậu Thân, Y sĩ Dũng đã được thăng cấp Đại úy và tưởng thưởng Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc vào ngày 1 tháng 11 năm  1968. Lúc đó anh đang giữ chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội Quân Y của Chiến Đoàn B Thủy Quân Lục Chiến.
Với lòng nhiệt thành và ý chí làm việc không mệt mỏi, anh Dũng đã được cấp trên giao trọng trách lớn hơn nữa: Ngày 1/1/1969, Y Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y, với cấp số 600 quân nhân, 14 y sĩ, 2 dược sĩ và 1 nha sĩ.
Với chức vụ này, một số người cho đó là nơi bổng lộc, nhưng Y sĩ Dũng chỉ biết làm việc, ai chăm chỉ, làm việc khá thì thăng thưởng, ai lười biếng thì khiển trách, không hế tơ hào công quỹ, không hề chọn phe phái. Cũng vì cách thức làm việc như vậy mà anh đã được kiêm nhiệm chức vụ Y sĩ trưởng của Sư Đoàn 2 Bộ Binh và vinh thăng  Thiếu Tá vào cuối năm 1970.
Đầu năm 1973, cục Quân Y chọn những y sĩ nhiều kinh nghiệm chiến trường trở về Trường Quân Y để truyền những kinh nghiệm xương máu đó cho các sinh viên quân y. Y sĩ Thiếu tá Trần Xuân Dũng đã được chọn làm Trưởng khoa huấn luyện, dưới sự điều hành của Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân của Binh chủng Nhẩy Dù. Hàng ngày, thiếu tá Dũng . . . đạp xe đạp từ Đồng Ông Cộ tới Trường Quân Y để làm việc.
 Đi làm mãi mới để dành được ít tiền, anh Dũng làm lễ Đại Đăng Khoa với cô gái miền Hội An, chẵng có nhẫn cỏ cho em mà cũng chẳng có tuần trăng mật gì cả, vì . . . nghèo quá. Y sĩ Thiếu tá nhà ta chỉ biết làm việc cho quân đội chứ không biết kiếm tiền, đến nỗi một bạn đồng nghiệp đã phải . . . bắt anh làm thêm giờ:
“Anh là bác sĩ, lại vừa cưới vợ nữa, nghèo quá . . . không nên. Ba tôi có một căn nhà ở khu tứ thị, đã cho thuê nhưng còn trống một phòng, nếu anh chịu mở phòng mạch ở đó, ba tôi rất vui lỏng cho anh làm, không lấy tiền mướn gì cả, anh muốn làm tới bao lâu thì làm.
Nhờ thế mà bác sĩ Dũng mới có đủ tiền nuôi vợ nuôi con và mua được chiếc xe gắn máy, khỏi còng lưng đạp xe đạp nữa.
Đến ngày 30 tháng Tư 1975, Y sĩ Thiếu tá Trần Xuân Dũng vẫn còn tử thủ ở Trường Quân Y với những sinh viên quân y còn lại.
Sau đó, cũng như những người lính bại trận khác, anh Dũng khăn gói đi tù cải tạo. Lúc đầu, cứ tưởng là chỉ đi 10 ngày thôi, ai dè bị tù suốt mùa lệ thủy, mãi tới năm 1977, do nhu cầu dân chết nhiều quá không có ai cứu chữa, anh mới được thả về. 

Quà Kỷ Niệm
Quà kỷ niệm do tù cải tạo Dũng làm tặng cho con gái.

Một hôm, có một bệnh nhân bị nghẹt thở chở gấp vào nhà thương, bác sĩ Dũng khám bệnh, biết ngay là cô bị bệnh xuyễn, anh cho chích thuốc hạ đàm, một lúc sau cô tỉnh lại, cám ơn thật nhiều, nói rằng, trước đây, cô cũng lên cơn xuyễn, đã được đưa tới bệnh viện này nhiều lần nhưng bác sĩ giải phóng chỉ cho uông xuyên tâm liên thôi, nên không khỏi.
Mấy lần sau nữa, cô cũng cứ lên cơn, lại được chở vào bệnh viện và lại được bác sĩ Dũng cứu qua khỏi cơn bệnh. Buồn vì cơn bệnh ngặt nghèo của mình, cô gái hỏi:
-“Thưa bác sĩ, em cứ bị lên cơn xuyễn hoài, có cách nào chữa hết bịnh luôn được không?”
-“Họa chăng ra ngoại quốc, họ có thuốc tốt hơn, có cách trị liệu giỏi hơn, sẽ dứt bệnh luôn.”
Mấy ngày hôm sau, cô trở lại nói nhỏ:
-“Má em có tổ chức vượt biên, đồng ý cho bác sĩ đi theo không tốn tiền, nhưng nếu gia đình đi theo, mỗi người phải trả 2 cây.”
Bác sĩ Dũng nghèo rách mồng tơi, một chỉ vàng cũng không có, nói chi 6 cây vàng cho vợ và hai đứa con. Buồn quá, anh xách bị thuốc xuyễn tới nhà cô gái, nói với mẹ cô:
-“Tôi không có tiền nên không thể đi cùng với cô được, chúc bà thượng lộ bình an, tôi còn ít thuốc đây tặng cho cô gái, mỗi khi lên cơn, cô nhờ người khác chích cho một mũi sẽ khỏi. Còn đây là những thứ thuốc trụ sinh mà tôi đã để dành được, mua được, bà cứ đem theo để khi cần tới sẽ có mà dùng.”
Anh ra về được một quãng đường thì cô gái chạy theo, nói “Má em mời bác sĩ trở lại nói chuyện.”
Trở lại nhà,  bà má ngồi đi văng nói với anh:
-“Thuốc trị bịnh xuyễn và mấy thứ thuốc trụ sinh này đắt như vàng, có tiền kiếm mua cũng không có, vậy mà bác sĩ dám đem hết ra tặng cho tôi, thì tôi tiếc gì vài cây vàng. Tôi đồng ý cho gia đình bác sĩ đi theo đó, không phải trả tôi cây nào hết.”
Thế là vợ chồng và hai cô con gái lên ghe đi vượt biên.
Chiếc tầu vượt biên nhỏ xíu, người chủ tầu ngồi sau đuôi cầm bánh lái, người em làm tài công và hoa tiêu nhắm hướng là . . . bác sĩ Dũng.
Ấy vậy mà hoa tiêu “Dỏm” Trần Xuân Dũng cũng điều khiển chiếc ghe tới được đảo Sungei Besi của Mã Lai.

Con Tầu Tỵ Nạn
Bác sĩ Dũng và gia đình được nhận định cư ở Úc và đến thành phố Melbourne vào ngày 13 tháng Tám năm 1978.
Thời gian đầu, hai vợ chồng nhận hàng may về nhà làm, anh Dũng ráng học thi lại bằng tương đương và hành nghề Bác Sĩ tại số 146 Hopkins street, Fooscray,Vic 3011, Australia từ đó tới nay.
Thưa quý độc giả, quý chiến hữu, nhất là những Thủy Quân Lục Chiến,
Nhân ngày Quốc Hận 30 tháng Tư sắp tới, tôi giới thiệu tới quý vị cuốn hồi ký “Sống Chẳng Còn Quê” của Y sĩ Thiếu Tá Trần Xuân Dũng để chúng ta cùng đọc, cùng nhớ về quá khứ.
Nếu con, cháu chúng ta có hỏi về lý do nào mà người Việt Nam lại có mặt ở Úc, Mỹ, Canada và ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Việt Nam, hãy kể lại cho con cháu chúng ta rằng:
“Ngày xưa . . . trên bản đồ thế giới, có một Quốc Gia tên là Việt Nam Cộng Hòa. Quốc gia này có một quân đội gọi là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Quân lực này đã chiến đấu chống lại bọn Cộng sản.
Hãy đưa cho con cháu chúng ta xem những cuốn sách nói về  cuộc chiến đấu của Quân lực này, trong đó có những cuốn sách Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến, Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Hồi ký “Sống Chẳng Còn Quê” của bác sĩ Dũng, để các thế hệ sau này biết được chúng ta, những người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu giữ gìn Tổ Quốc ra sao.




Cả Gia Đình

Giá bán của cuốn Hồi ký là AUS $30.00 hoặc 
US $25.00
Quý đồng hương ở Victoria có thể đến ngay địa chỉ:
146 Hopkins street, Fooscray,Vic 3011,
Để nhận sách và giao tiền.
Ngoài tiểu bang Victoria, xin quý vị gởi Bank cheque $40 Úc kim, đề tên: 
Dr. Xuan  Dung Tran, gởi về địa chỉ 146 Hopkins street, Fooscray,Vic 3011, Australia.
Quý đồng hương ở Mỹ, Cananda và Âu châu, xin liên lạc với Miss Tuong Vi Tran  theo địa chỉ email:
để mua sách.
Tiền bán cuốn hồi ký này, anh Dũng sẽ dùng để viết và in những cuốn sách khác nữa cho chúng ta và những thế hệ tiếp theo đọc, chứ ông không dùng tiền đó để mua nhà đầu tư đâu. Có một căn nhà và chiếc xe Jeep chạy đâu cũng tới, là ông đã mãn nguyện lắm rồi.

Kính mời.
NGUYỄN KHẮP NƠI.

3 comments:

  1. XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT Sai lầm nghiêm trọng của hoa kỳ là đã để cho những con chó đen MAFIA CS mở toang cánh cổng thiên đường tự do tư bản hoa kỳ cho hàng trăm ngàn tên âm binh mafia csvn đảng con đẻ tay sai mafia c strung cộng tràn vào ẩn phục ứng chờ ,cài cắm giăng bẩy câu mồi,thu hồn đoạt vía ,gieo truyền phát tán mạnh mẻ hạt giống đỏ ra toàn nước mỹ ,tạo dựng nên những đại gia đình âm binh mafia cs rúc rĩa gậm nhấm ,ăn luồn ăn sâu vào lục phủ ngủ tạng đất nước của nử thần tự do …lũng đoạn kinh tế khuynh đảo chính trị,ngấm ngầm lèo lái con thuyền tự do tư bản hoa kỳ vào quỷ đạo của chủ nghĩa cộng sản ,nếu nước mỹ không kịp thời thức tỉnh cực kỳ cảnh giác,để có biện pháp đề phòng hửu hiệu ,phát hiện kịp thời hành động thủ ác trong bóng tối ngấm ngầm thực hiện mưu đồ ..đê hèn và sâu độc của bọn mafia cs đen trung cộng và bọn âm binh mafia cs vn đảng con đẻ tay sai của chúng,thì chắc chắn trong tương lai gần chế độ tự do tư bản hoa kỳ sẻ gục chết mà vẩn chưa kịp hiểu …SỨC MẠNH ĐEN VÔ ĐỊCH ÂM BINH MA FIA CS ….là gì…?XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT Trong cái nhà nước súc vật âm binh mafia csvn đảng này , tất cả phải bò bốn chân truyền kiếp làm chó phục vụ cho mưu đồ sự nghiệp của đảng …trong cái xã hội của loài thú đeo mặt nạ người này ,tất cả những thành phần từ trí thức đến dân đen …ma cô đỉ điếm ..các tổ chức tôn giáo ..các tổ chức chính trị kêu gọi tự do dân chủ ..hay ngay cả những tổ chức chống cộng …đều đưoc đảng cấp giấy phép hoạt động , đều được quốc doanh hóa ..chúng là những cái mặt nạ không thể thiếu trong việc bảo đảm tôn trọng nhân quyền …tự do tín ngưởng …..quyền tự do ngôn luận ,như một xã hội bình thường của các quốc gia khác trước cái nhìn của công luận quốc tế ….và sự thật đằng sau những tấm mặt nạ này …không một ông sư hay linh mục ,nhà dân chủ kẻ chống cộng ,hay cả bọn trí thức ..đỉ điếm ma cô nào dám tự phát mà không có sự đạo diển dàn dựng điều hành và chỉ đạo chặc chẻ của bọn thú vật cộng sản đen …và nếu có một ai đó dám đi ngoài quỷ đạo đó thì cũng không thể nào sống sót được trong cái xã hội chủ nghĩa thú vật âm binh mafia csvn đảng này …..XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG XÃ HỘI CỦA LOÀI CHÓ ĐEO MẶT NẠ NGƯỜI …TIN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ TỪ CÁI NHÀ NƯỚC THÚ VẬT ÂM BINH MAFIA CSVN ĐẢNG NÀY LÀ TỰ SÁT Nước mỹ hãy cực kỳ cảnh giác lủ súc vật âm binh ma fia csvn đảng con đẻ tay sai mafia cs trung cộng …kịp thời phát hiện và ngăn chặn lủ âm binh mafia cs chui lòn ngấm ngầm hành động thủ ác rúc rĩagậm nhấm ruột gan lục phủ ngủ tạng của các bạn trong bóng tối ….đừng để đến khi các bạn hấp hối giãy chết mà vẩn chưa hiểu đưoqực sức mạnh đen súc vật âm binh mafia cs là gì …

    ReplyDelete
  2. Tôi cũng là một người lính VNCH, xuất thân trừờng TSQ/VNCH và trường VBQGVN nên rất khâm phục những người như BS Dũng. Đất nước chúng ta khọng có bao nhiêu con người như vậy, và có lẽ chúng ta đã sanh nhầm thế hệ nên không giúp gì được cho quê hương.
    Kính chúc BS và gia đình được Ơn Trên phù hộ.
    Một người lính

    ReplyDelete
  3. Mot nguoi nhu BS Dung thanh liem, khong mang danh loi.Toi rat xuc dong khi doc tieu su cua BS. Nguyen xin on tren che cho cho BS va gia dinh luon manh khoe de giup doi.

    ReplyDelete