Đầu năm 2018, tôi có một niềm vui nho nhỏ là đã mua và đọc ngấu nghiến bản Việt ngữ cuốn The Refugees của Viet Thanh Nguyen chỉ trong
vỏn vẹn một buổi chiều. Quyển sách để lại cho tôi rất nhiều
cảm xúc và suy nghĩ nên tôi muốn trút ra đây hết cho bớt những
ưu phiền. Bản gốc tiếng Anh gồm 8 mẩu truyện ngắn nhưng sau khi
vượt qua được khâu kiểm duyệt ở xứ thiên đường thì chỉ còn 7 mẩu. Truyện ngắn “War Years/ Những Năm Chiến Tranh”
bị cắt đi không thương tiếc do có nội dung hơi nhạy cảm. Dù sao
thì tôi cũng khá ngạc nhiên và thầm cảm ơn thái độ cởi mở
của Cục Xuất Bản nước nhà trong vụ này. Bởi muốn chữa lành
những vết thương chiến tranh thì trước hết cần phải thấu hiểu
tình cảnh của nhau thêm nhiều và nhiều hơn nữa.
Người Tị Nạn hay tôi vẫn quen viết là “Người Tỵ Nạn”,
chẳng phải cụm từ xa lạ gì đối với dân Việt Nam chúng ta.
Trong vòng ba thập niên kể từ sau chánh biến năm 1975, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ước
tính đã có hơn 1,5 triệu người miền Nam vượt rừng, vượt biển
bằng mọi giá để rời bỏ quê hương, đất nước. Gọi nôm na trong
dân chúng là “vượt biên” hay có chút mỉa mai rằng “đến cây cột đèn mà có chân thì nó cũng sẽ đi”. Gia đình tôi có nhiều người tỵ nạn, theo diện HO (Humanitarian Operation)
hay diện con lai và vượt biên đều đủ cả nhưng khi trò chuyện
với nhau, chúng tôi không bao giờ nhắc đến đề tài này như một
điều luật bất thành văn. Và dù cố quên đi, cố lãng tránh thì
những ký ức kinh hoàng vẫn còn đó, lững lờ. Như bản thân tác
giả – vốn cũng là một người tỵ nạn ở đầu sách có trích dẫn
mấy dòng sau:
“Những thứ ám ảnh bạn không phải là những ký ức của bạn.Không phải những điều bạn đã viết ra.
Mà là những điều bạn đã quên, bạn phải quên.
Những điều bạn phải tiếp tục quên suốt cả đời mình.
. It is not your memories which haunt you.
It is not what you have written down.
It is what you have forgotten, what you must forget.
What you must go on forgetting all your life.”
(James Fenton, A German Requiem)
Không giống như những người Syria vượt biển sang trời Tây để tránh bom đạn chiến tranh, người tỵ nạn Việt Nam đi khi “hòa bình đến”.
Vì sao ư? Câu hỏi nghe thì thật giản đơn dù thực tâm không phải
ai cũng đủ dũng khí để trả lời. Chiến tranh đã tàn khốc
nhưng những gì người ta đối đãi với nhau khi hòa bình lặp lại
còn tàn khốc hơn. Đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế mới, những
nhà tù khổ sai coi mạng người như cỏ rác núp bóng trại học
tập cải tạo, mất nhà, mất đất, phân biệt đối xử… là mấy
nguyên cớ sơ sơ khiến nhiều người Việt vào thời điểm đó dứt
áo ra đi, bởi họ “muốn cuộc đời còn có những nụ cười”. Và kể từ đó thế giới đã chứng kiến một thảm cảnh di cư thê lương chưa từng có trong lịch sử, con số thuyền nhân Việt Nam (Vietnamese Boat People) thiệt
mạng khi vượt biển do đắm tàu hoặc bị hải tặc Thái Lan bắt
giữ và giết hại… nằm trong khoảng từ 200,000 đến 400,000 người
hoặc hơn thế nữa. Người ta chưa bao giờ có thể thống kê chính
xác được. Nếu bạn có dịp đặt chân đến đảo Koh Kra (Thái Lan) hay đảo Bidong (Mã Lai)
thì sẽ thấy có rất nhiều mồ mả tập thể của những thuyền
nhân Việt xấu số năm xưa và nghe những câu chuyện thấm đẫm nước
mắt về họ. Cuốn The Refugges của Viet Thanh Nguyen
viết về cuộc sống trên đất Mỹ của những thuyền nhân khốn khổ
năm xưa ấy mà ngày nay chúng ta trân trọng gọi họ là bà con “Việt Kiều” xứ cờ hoa.
Tám truyện ngắn trong cuốn sách này
tuy không có gì mới mẻ và xa lạ với tôi nhưng vẫn mang một ma
lực hấp dẫn đến kỳ lạ. Thông thường khi viết về chiến tranh
hay hành trình tỵ nạn, dường như những cây bút người Việt luôn
cố đưa vào càng nhiều tình tiết đau thương càng tốt, có tác
phẩm hầu như chỉ gồm các đoạn độc thoại nội tâm và kể khổ
cho nhau nghe. Tôi không bao giờ khóc khi đọc truyện của Viet Thanh Nguyen,
văn chương của anh ta luôn mang một phong thái điềm tĩnh đến
lạnh lùng và cũng có khi giễu nhại rất chua cay. Anh viết như
thể anh vừa ở trong và ngoài cuộc, như thể anh ta có cái đầu
lạnh của người Mỹ, con tim ấm áp của người Việt Nam và ngòi
bút sắc sảo của một tay viết văn điêu luyện. Nhưng cuộc đời đã
dạy cho tôi biết có những nỗi buồn mà ta không thể khóc mới
là những nỗi buồn day dứt, ám ảnh suốt cuộc đời và làm hao
mòn hết tâm can ta.
Nếu như ở quyển tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer danh giá “The Sympathizer/ Cảm Tình Viên”, Viet Thanh Nguyen đã khắc họa nhân vật chính – một gã nằm vùng lai căng bị mắc kẹt giữa hai chiến tuyến Quốc – Cộng,
trong đầu hắn luôn tồn tại một cuộc chiến nội tâm dữ dội
không thua kém cuộc chiến có lửa khói và bom đạn ngoài kia;
thì ở quyển sách này những người tỵ nạn của chúng ta cũng
đang mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, giữa quê cũ và quê
mới, giữa những cuộc trùng phùng và ly biệt tiếp nối nhau.
Điều gì sẽ xảy ra cho những người không thể thích nghi và bị
mắc kẹt quá lâu giữa hai thế giới ấy? Có lẽ họ sẽ như một cô
gái tỵ nạn đoạn nhảy xuống biển cả mênh mông để trốn chạy
khỏi bọn hải tặc háo sắc và chẳng may bị kẹt vào một khe
đá. Khi người ta cứu được cô ra, hai ống chân cô chỉ còn trơ
xương vì bị cá tôm rỉa hết những mảng thịt. Những kẻ bị mắc
kẹt ấy dẫu còn sống nhưng vĩnh viễn đã bị hủy diệt.
Đó là một ông cựu binh không quân Mỹ
từng lái chiếc B-52 giội bom xuống miền đất Quảng Trị đau
thương và giờ đây cùng cô con gái có tâm hồn Việt của mình trở
lại để làm công tác cứu trợ nhân đạo rà soát bom mìn. Hương
vị của bia 33 thì vẫn y như 30 năm trước, là mùi vị của những
trận đánh mà ông không bao giờ quên được. Đó là người chồng
già mắc bệnh Alzheimer luôn gọi vợ bằng cái tên Yến xa lạ trong truyện ngắn “I’d love you to want me”.
Dầu người con trai đã chán ghét những câu chuyện xưa cũ nhưng
hai vợ chồng già lại luôn lần mò về những nẻo cũ đường xưa.
Về với ngôi nhà trên đường Phan Thanh Giản của một Sài Gòn giờ
đã đổi tên, đổi chủ nhưng ở miền ký ức đó, họ đã yêu nhau
thêm lần nữa. Đó là bà Hoa trong truyện ngắn bị cắt bỏ “War Years”, một thợ may quân phục ở San Jose, California
chuyên đi năn nỉ bà con quyên tiền cho tổ chức chống Cộng tận
Thái Lan. Việc mất chồng và hai con khiến bà sống như một hồn
ma vất vưởng ở miền đất mới. Bà như chỉ sống ở cõi tạm và
cứ mãi muốn khôi phục một quê hương sớm đã lâm chung, dù vẫn
biết đó là vô vọng.
Và cuối cùng tôi xin bàn luận hơi
nhiều về mẩu truyện mà tôi yêu thích nhất trong cuốn sách này,
đó là câu chuyện về “Black-eyed women/ Những người đàn bà mắt đen”.
Dù đọc bản Anh hay Việt ngữ thì tôi cũng đều thấy nó xuất
sắc, cô đọng và đầy ám ảnh, có thể nói là hãi hùng. Truyện
kể về một cô gái kiếm sống bằng nghề viết thuê hồi ký cho
người khác (a ghostwriter). Cô không tin vào ma quỷ như
người mẹ cho tới một ngày nọ, hồn ma của người anh đã chết
vì cứu cô khỏi tay lũ hải tặc Thái Lan vào mấy mươi năm trước
tới thăm gia đình. Kỳ lạ thay, người chết thì không còn thấy
đau nhưng người sống thì còn. “Người chết đi tiếp, nhưng người sống, chúng ta chỉ ở đây. / The dead move on. But the living, we just stay here.” Mùi
biển cả với nồng nặc mồ hôi và chất thải của hàng chục
người nằm co rúm san sát nhau gợi nhớ tới những trải nghiệm
kinh hoàng nhất đời cô. Hình ảnh con mắt trên chiếc thuyền của
người tỵ nạn cứ lặp đi lặp lại như nói với cô gái rằng: mày cũng chết rồi, có điều mày không biết đó thôi.
“Tôi không quên được chiếc thuyền
xanh dương không tên gọi của chúng tôi và nó cũng không quên tôi,
đôi mắt đỏ vẽ hai bên mũi thuyền không bao giờ thôi nhìn xuống
tôi.
I had not forgotten our nameless
blue boat and it had not forgotten me, the red eyes painted on either
side of its prow having never ceased to stare me down.”
Tám mẩu truyện ngắn đều dừng lại
đầy trăn trở. Như nút thắt của những sợi dây vĩnh kết đồng tâm
mà người ta không biết phải gỡ ra từ đâu. Chỉ biết đứng đó
ngậm ngùi:
“Vì hai chữ Tự Do. Ta mang đời lưu vong.”
No comments:
Post a Comment