Wednesday, May 16, 2018

43 NĂM SAU 30/4, ĐẤT NƯỚC HIỆN RA SAO? BÙI TÍN

Đại Tá VC Bùi Tín 
 
Đại Tá Bùi Tín và Tướng Nam Long trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập 
 
Hơn lúc nào hết mỗi người Việt hãy nhìn thẳng vào những sự thật hiển nhiên. Càng là bộ máy lãnh đạo đảng lại càng phải nhìn nhận chính xác chân thật.
Đây là câu hỏi rất quan trọng, mỗi công dân có trách nhiệm, từ quan chức đến phó thường dân, cần chung sức góp ý để đạt đồng thuận chung nhằm đưa đất nước khỏi bế tắc và lạc hậu hiển nhiên hiện nay.
Không một ai có trách nhiệm có thể cho rằng từ sau ngày 30/4 gọi là ngày «Giải phóng miền Nam Thống nhất Tổ quốc,» đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ, toàn dân đã được hưởng trọn vẹn độc lập, tự do dân chủ nhân quyền, bình đẳng và hạnh phúc.
Hơn lúc nào hết mỗi người Việt hãy nhìn thẳng vào những sự thật hiển nhiên. Càng là bộ máy lãnh đạo đảng lại càng phải nhìn nhận chính xác chân thật.
Điều cay đắng nhất là nền độc lâp dân tộc giành được từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, với hàng triệu con em người Việt của các bên bị hy sinh đã bị ban lãnh đạo Cộng Sản thay thế bằng chế độ «Bắc thuộc mới» qua cuộc mật đàm Thành Đô tháng 9/1990. Từ đó đến nay đất nước bị gặm nhắm có hệ thống, từ đất liền, vùng biển, hải đảo, người Trung Quốc hầu như tự do nhập vào biên giới, mang Nhân dân tệ hình Mao cùng mọi thứ hàng hóa, hàng giả, hàng dỏm, hàng cấm, hàng độc hại tràn ngập đất nước ta. Chúng có mặt khắp nơi, trồng rừng quy mô lớn; khai thác nhiệt điện, thủy điện, các mỏ quặng bô-xít phân đạm, tàn phá môi trường ven biển, lập phố xá, cửa hàng cửa hiệu như ở quê hương chúng.
Không ít trong số ấy là tội phạm lưu manh bất lương đe dọa an ninh nhân dân ta. Bộ xậu lãnh đạo Việt Nam phải ngậm bồ hòn làm ngọt, coi bọn xâm lược láo xược hung hãn phương Bắc như bạn thân quý nhất, như ông chủ đáng kính sợ nhất. Nền độc lập dân tộc bị mất dần mòn là nguy cơ lớn nhất, là mối ô nhục lớn nhất của người Việt hiện nay, không một ai có thể cho qua.
Trong khi lãnh đạo đảng Cộng sản trở nên hèn với giặc ác với dân, đàn áp không chút ngần ngại các chiến sĩ yêu nước kiên cường bất khuất chống bành trướng như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… thì Đảng cũng đồng thời biến chất, càng chỉnh đốn lại càng đổ đốn, trở nên một kiểu mafia tội ác, tham nhũng tràn lan, đua nhau tàn phá chia chác mọi nguồn tài sản quốc gia, ăn cắp của nước của dân không chừa một thứ gì, từ nhà đất, ruộng vườn, rừng cây, lập nên những biệt thự, biệt phủ xa hoa giá trị hàng chục tỷ.
Theo đà suy thoái của đảng, bộ máy Nhà Nước trở thành bộ máy tội ác, các công ty, Tổng công ty Quốc doanh, các hệ thống ngân hàng bị tước đoạt, phá sản hàng loạt, với hàng chục vụ đại án, hàng trăm tên bị cáo bị điều tra xét xử, trong đó có cả ủy viên Bộ chính trị, ủy viên TƯ, bí thư thành ủy, tỉnh ủy, hàng loạt thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng chống tội phạm tự chuyển biến thành tội phạm với những bản án biển thủ cực lớn hàng nghìn tỷ đồng.
Trong mấy chục năm suy thoái và tha hóa của Đảng và Nhà Nước, xã hội cũng bị ruỗng nát theo. Lực lượng an ninh lẽ ra là lá chắn bảo vệ dân, là thanh bảo kiếm trừng trị bọn gian ác lại trở thành thế lực đàn áp dân, đánh đập dân như gây thương tật cho cô Đoan Trang, gây nên hàng 30 người chết trong đồn công an trong năm qua.
Công an là bọn kiêu binh nêu gương xấu mọi nơi. Công an có ngân sách thuê bọn du côn mất dạy theo dõi từng bước các chiến sĩ dân chủ không cho ra khỏi nhà, đi họp, đi biểu tình, khen thưởng chúng nếu chúng ra tay đàn áp, cứ mỗi lần lập công ở Hà Nội, Sài gòn, Đà Nẵng chúng được thưởng 500.000 đồng, ở các quận huyện mỗi tên được 300.000 đồng. Đến nay sự chính đốn toàn ngành Công an đã quá ư chậm trễ.
Trong khi đó nền giáo dục bệ rạc, mất phương hướng, chạy theo mua bán bằng cấp, thầy cô giáo bắt học trò quỳ, phụ huynh học sinh là đảng viên xông vào nhà trường chửi bới cô giáo bắt quỳ đến mức gần xẩy thai!
Đạo đức học đường lao dốc khi sinh viên học sinh chửi bới đâm chém cô giáo.
Đạo đức gia đình thê thảm khi vợ chồng giết nhau, ông hiếp dâm cháu. 
Y đức không còn lương tâm khi bộ y tế buông lỏng quản lý thuốc men cho hàng độc dược tràn lan, bệnh viện chen chúc 2, 3 người bệnh chung một giường.
Trên đây là bức tranh bi đát toàn cảnh đất nước ta 43 năm sau ngày “lịch sử 30/4”. Thành tích vĩ đại hay thất bại nặng nề?
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam hiện nay vẫn còn lạc hậu về nhiều mặt, tự do ngôn luận, tự do báo chí đứng thứ 175 trên 186 nước. Tự do tôn giáo ở trong số 60 nước bị mất tự do nặng nề nhất. Thu nhập bất công còn rất xa mới được như các nước Bắc Âu, nơi hầu như không có nạn tham nhũng.
Không gì nhục bằng người Việt Nam có tỷ lệ phạm pháp cao nhất Đông Nam Á, ăn cắp vặt nhiều nhất ở các siêu thị Nhật Bản, Malaisia, Thái Lan, hộ chiếu ngoại giao Việt Nam bị kém giá trị nhất.
Về thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam còn cách xa Thái Lan và Indonesia, phải 8 năm mới ngang Thái Lan, phải 12 năm mới ngang Indonesia hiện nay.
Nghĩ mà đau, nghĩ mà buồn, đất nước mình kỳ quá phải không anh? Bài thơ cô giáo Trần Thị Lam xoáy sâu vào tấm lòng quặn đau của mỗi công dân.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng rất đau đớn khi “nhìn tới đâu cũng phải kìm cơn mửa, Khi một thời bọn đểu đã lên ngôi”.
Tất cả mọi nguyên nhân đều từ do đảng mà ra?
Nguyên nhân của những nguyên nhân là đường lối chính trị sai lầm tận gốc; Là chủ nghĩa Mác - Lê đã bốc mùi, là chế độ toàn trị độc đảng theo luật rừng xanh, vô pháp, vô đạo, vô luân, là sự giả dối che dấu sự thật, lừa mỵ nhân dân, nói một đằng làm một nẻo.
Nếu Bộ chính trị hãy còn có lương tâm và đạo đức, nhân dịp này, hãy mở một cuộc hội họp dân tộc, lắng nghe những người bất đồng chính kiến trong các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước góp ý, phê bình, kiến nghị, đấu trí, đấu lòng yêu nước, thương dân lại để tìm ra con đường chính trị và các chính sách kinh tế, tài chính, văn hóa, quốc phòng, đối ngoại cho đất nước mình, cho nhân dân mình.
Cuộc họp dân tộc này sẽ quan trọng hơn cuộc họp TƯ7, càng quan trọng hơn một phiên họp Quốc hội, nó sẽ là đôi đũa thần tạo nên cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc tối cần thiết, mở đường cho kỷ nguyên tự do dân chủ của dân tộc ta gắn bó với thời đại mới từ trong năm 2018 này.

Thursday, May 10, 2018

ĐỨA CON LAI….HẢI TẶC - Nguyễn Cát Thịnh

Xong tú tài, tôi vào Saigon cư ngụ trong đại học xá Minh Mạng Chợ Lớn để tiếp tục việc học. Sau này có một anh sinh viên dự bị y khoa được xếp chung phòng.
Khi ra trường phải động viên vào quân đội, tôi nhường anh chân gia sư dạy kèm 2 học sinh trung học, một trai một gái. Họ là con của một ông Trung Tá bộ tổng tham mưu và bà chủ một công ty nhập cảng vải lụa.
Cuộc biển dâu xảy ra. Tôi và ông Tr/T đều bị nhập trại “tập trung học tập cải tạo”. Tôi “học tập” một thời gian không dài lắm, có lẽ vì cấp bậc nhỏ ít nợ máu. Ông Tr/T bị chuyển ra trại tù miền Bắc.
Được trả tự do nhưng không việc làm, lê lết ở các quán cà phê vỉa hè, một ngày nọ tình cờ gặp lại bạn. Bấy giờ anh đã là bác sĩ tại một bệnh viện thuộc quận nhất của thành phố.

Và câu chuyện bắt đầu từ đây.
Chuyện kể, khi cô học trò nhỏ không còn nhỏ nữa thì quan hệ giữa cậu cựu gia sư và tiểu thư tân sinh viên văn khoa đã bước vào giai đoạn anh anh-em em (âu cũng là điều dễ hiểu). Gia đình cả hai bên đều hoan hỉ, trông đợi ngày đại đăng khoa và tiểu đăng khoa.
Thế nhưng thời cuộc đã đảo lộn tất cả. Ông bố Trung Tá đi không biết ngày về. Bà mẹ mất cơ sở kinh doanh. Cậu con trai lớn tìm lãng quên trong những con hẻm nhầy nhụa. Tiểu thư tuy vẫn còn đậm nét tiểu thư nhưng chớm trầm cảm vì cuộc sống đã nhuộm đỏ giấc mơ hồng. Cậu bác sĩ chung tình đeo thêm gánh nặng phiền muộn.
Rồi phong trào vượt biển rầm rộ khắp nơi.
Trong lần đi thăm nuôi cuối cùng, bà Trung Tá đưa tiểu thư và cậu bác sĩ ra tận trại tù Hoàng Liên Sơn dò hỏi ý chồng. Ông Trung Tá bỗng trở nên lạc quan sau những năm tháng tuyệt vọng. Ông biết sức khỏe và bệnh trạng của ông, biết ngày tàn không còn xa. Ông không những đồng ý với vợ mà còn mong vợ phải thực hiện chuyến đi cho các con bằng mọi giá.
Bà đã được cha mẹ cậu bác sĩ thuận kết sui gia. Nhân tiện gặp ông, bà và ông tác thành luôn cho đôi trẻ. Đối với cả hai gia đình, họ đã nên duyên vợ chồng.
Ông xin các con hứa, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lúc vui buồn hay lúc cùng cực cũng phải gắn bó, không được chối bỏ nhau. Đôi trẻ kín đáo cúi đầu quỳ lạy thay lời thề chung thủy.
Bạn tôi cùng vợ và người anh vợ đăng ký chuyến đi bán chính thức của người Hoa. Khi ra đến bến bãi một sự việc diễn ra ngoài dự tính của nhóm tổ chức. Chỉ những người Hoa chính gốc mới được nhận. Người Hoa giả mạo bị loại ra.
Chủ tàu là một đại gia có mẹ già mang bệnh kinh niên nên cần thầy thuốc. Hắn hối lộ để xin đặc ân cho hai vợ chồng bạn tôi nhưng họ chỉ chấp nhận một người. Dùng dằng mãi, cuối cùng một mình bạn tôi lên tàu.
Chuyến hải hành tương đối êm ả đưa người chồng đến đảo Bidong Mã Lai. Người anh vợ và người vợ trở về buồn hiu hắt.
Anh may mắn được gia đình một luật sư làm việc trong chính quyền tiểu bang Michigan bảo lãnh qua Mỹ.
Sau hơn 2 năm ôn luyện bài vở, anh được nhận vào nội trú để hoàn tất bằng hành nghề.
Người vợ đi thêm 2 chuyến nữa không thành công.
Chuyến sau cùng chủ tàu gọi đi khẩn cấp. Người anh trai còn mải vui chốn giang hồ không kịp nhận tin, đành đi chuyến sau. Tôi đến chơi đúng thời điểm. Bà Tr/T cho tôi trám chỗ, đồng hành với vợ người bạn.
Đâu có ai ngờ một chuyến đi định mệnh đang chờ đợi!!!
Con tàu chạy vòng vo 2 ngày 3 đêm vẫn chưa nhìn thấy đất đảo như hoạch định. Tàu trôi, trôi như vô tận. Tài công thú nhận không có kinh nghiệm lái đường biển..
Buổi trưa, vừa nhai xong một nhúm cơm và uống một nắp nước do tàu cấp phát thì mọi người dưới hầm nghe nhiều tiếng chạy thình thịch náo động trên boong tàu. Qua kẽ hở, biết tàu đã bị hải tặc xâm chiếm không biết từ lúc nào. Họ hoàn toàn làm chủ tình hình. Trong vòng một tiếng đồng hồ không gặp kháng cự, những tên hải tặc đã đủ thì giờ lục lọi tìm kiếm vàng bạc và giở trò khả ố với những đàn bà con gái nằm la liệt trên sàn tàu mà trước đó đã được ưu tiên dời lên vì kiệt sức.
Sau khi đã chiến thắng được sự sợ hãi tột cùng ban đầu, một số thanh niên còn khỏe mạnh họp lại tính chuyện phản công. Đám hải tặc vẫn còn e dè, chặn cửa hầm chưa dám xuống.
Để chiến đấu, mỗi người tự trang bị vũ khí cho mình. Với kìm búa gậy sắt gậy gỗ, họ phá bật nắp cửa hầm, reo hò vùng lên quyết sinh tử khiến đám hải tặc rúng động. Biết không địch nổi số đông áp đảo, không đợi lệnh, các tên hải tặc chen nhau nhảy xuống biển bơi về tàu của chúng, xả máy rút lui.
Tôi cố tìm nguời vợ của bạn.
Một tên hải tặc mang vết sẹo dài trên vai trái bước ra từ phòng lái đầu hàng. Cô gái trong phòng nằm trên tấm nệm cao su vẫn còn loã thể chính là người tôi tìm.
Một tên nữa cũng chậm chân nên bị bắt giữ vì còn mải nhập thiên thai. Tên có sẹo có lẽ là đầu đảng, xá lạy xin đái công chuộc tội bằng cách hướng dẫn tài công lái đúng đường, cặp vào đảo Tarempa Nam Dương.
Ngoại trừ những người bị nhốt dưới hầm, tất cả đàn ông đều bị trói gô chân tay. Một phụ lái bị giết chết vì kháng cự. Chủ tàu bị ném xuống biển vì cố che chở cho con gái nhỏ sắp bị hãm hiếp. Hai phụ nữ hoảng hốt nhảy xuống biển tự vận để bảo toàn trinh tiết.. Mười một phụ nữ trẻ bị liên tục thay phiên hãm hiếp, riêng người vợ của bạn tôi được tên đầu đảng giành độc quyền. Một nam thanh niên trượt chân rơi xuống biển và năm thanh niên khác bị thương khi chiến đấu. Hai hải tặc bị bắt giữ nhưng trốn thoát khi tàu vừa cặp bến vào đảo Tarempa.
Chính quyền địa phương đưa tàu qua đảo Kuku tạm trú. Một tháng sau được chuyển sang đảo Galang.
Chút vốn liếng tiếng Anh sót lại từ thời trung học giúp tôi tìm được một việc làm trong văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ. Có cơ hội thuận tiện, tôi tường trình trung thực những gì đã xảy ra.
Tôi thuyết phục các phụ nữ bị làm nhục ra trước ủy ban điều tra quốc tế đối chứng với lời khai của tôi nhưng chỉ có người vợ của bạn và một người vợ của anh thợ máy đồng ý. Tiếng kêu tuy yếu ớt được ghi nhận.
Người vợ của bạn tôi suy sụp khủng hoảng tinh thần cực độ khi biết đã mang thai. Cô nài nỉ tôi tìm mọi cách giúp phá nếu không sẽ tự vận. Tôi thật sự khổ sở giữa nên hay không nên. Nếu nên thì cũng không biết làm sao. Phương tiện y tế hạn chế, dễ gây hậu quả xấu cho người mẹ.
Sau một đêm dài trằn trọc tôi quyết định viết một lá thư kể toàn bộ sự việc diễn tiến trên tàu, nhờ gửi khẩn cho người chồng. Năm tuần lễ sau nhận được hồi âm. Anh cho biết vị luật sư bảo lãnh anh đã tích cực vận động với các dân biểu và nghị sĩ tiểu bang cũng như liên bang lên tiếng với bộ ngoại giao Hoa Kỳ, thỉnh cầu can thiệp trực tiếp trường hợp của vợ anh để xin được đi định cư trong thời gian sớm nhất trước khi tiên liệu xấu xảy ra. Anh tha thiết xin vợ đừng phá thai, sẵn sàng nhận vai trò làm cha.
Tôi đã được phái đoàn Canada chấp nhận và thông báo ngày đi định cư nhưng phải xin đình hoãn.
Sáu tháng vận động đã có kết quả. Anh bạn tôi đi cùng với nhân viên lãnh sự quán HK tại Singapore đến Galang. Qua thủ tục đặc biệt, mang được người vợ đến Mỹ.
Đứa bé được sinh ra trên đất Mỹ với khai sinh mang họ của bạn tôi.
Trong buổi hội ngộ tiệc thôi nôi, vợ chồng anh bạn và người anh vợ cùng tôi đồng thuận tuyệt đối giữ bí mật mọi chuyện để sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ không bị ảnh hưởng và sẽ lớn lên như một người Việt Nam trong một gia đình Việt tỵ nạn.
Thỉnh thoảng có dịp thăm viếng tôi tưởng như nhìn thấy hạnh phúc thật sự trong gia đình họ. Cậu bé lớn lên trong tình yêu tràn đầy của cha lẫn mẹ.
Sinh kế đã làm giảm tần xuất liên lạc giữa chúng tôi một thời gian. Mỗi năm chỉ còn nhớ đến nhau qua những tấm thiệp xuân. Cho đến một lần, thay vì nhận được thiệp thì là một lá thư dài kể lại tai nạn thảm thương cướp mất người vợ.
Thường ngày người chồng nhắc nhở vợ dùng thuốc đều đặn vì hậu chấn thương trên biển cả khiến người vợ cần được săn sóc tâm thần và tâm lý trị liệu lâu dài.  Lần đó người chồng đi dự hội thảo chuyên môn ở tiểu bang xa nhà.. Người vợ đã bỏ thuốc nhiều ngày, giữa đêm mưa gió đi lang thang ngoài bờ sông không tự kiểm soát được, ngã xuống nước trôi mất tích..
Vợ chết. Bệnh trầm cảm truyền qua anh. Mặc cảm có tội luôn luôn ám ảnh. Anh dồn hết tình thương cho đứa bé, nay đã trở thành một thiếu niên.
Đến lúc đứa con phải xa nhà vì học vấn anh không thể đương đầu với nỗi buồn gặm nhấm, trầm cảm nặng hơn.
Nhiều năm nữa trôi qua. Tin buồn khác lại đến. Bạn tôi qua đời sau một thời gian ngắn nhuốm bệnh. Anh biết bệnh mình trầm kha, nhưng buông xuôi không quan tâm chữa trị, có lẽ muốn gặp vợ để giữ trọn lời thề năm xưa. 
*
Đứa con từ chuyến vượt biển của người vợ bạn tôi  năm xưa nay đã là người lớn. Cha mẹ đều mất. Bác ruột di cư sang Úc theo vợ. Tôi trở thành người thân duy nhất để chàng thanh niên, tức đứa bé ngày xưa, xả tâm tình. Chúng tôi xem nhau như chú cháu.
Những lá thư qua lại làm tôi lây những ưu tư của một người trẻ nghĩ về thân phận mình. Sau đây là một số trích đoạn từ những lá thư của cháu từ nước Mỹ với ông chú, thư viết bằng Anh ngữ, và do tôi trích dịch:
.. . .
Chú ơi! Từ lúc bắt đầu hiểu biết cháu đã linh cảm có điều gì rất nghịch lý trong gia đình cháu. Hạnh phúc như con bướm lượn lờ trên những bông hoa mời chào, ngập ngừng muốn đậu rồi lại bay đi.
Cha cháu chiều chuộng cháu hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Mẹ cháu hay vuốt tóc, hôn cháu trong không gian tĩnh lặng, nói nhỏ, con của mẹ, mẹ yêu con, lặp đi lặp lại.
Nhưng cũng có đôi lúc cháu bắt gặp cặp mắt thất thần của mẹ nhìn ra cõi xa xăm.
Mẹ rất sợ sông, biển. Những kỳ đi nghỉ hè cha luôn luôn tránh vùng biển.
Cha săn sóc mẹ từ miếng ăn giấc ngủ. Mẹ biếng ăn, cha bỏ bữa. Mẹ mất ngủ, cha “hầu quạt”. Mẹ buồn, cha làm hề, dí ngón tay lên trán gọi mẹ là cô bé bướng bỉnh, mẹ mỉm cười gọi cha là cậu giáo khó tính, thế là buồn tiêu tan. Cha biết làm cho mẹ vui vẻ hoạt bát qua những viên thuốc mà cha gọi là thuốc tiên, bắt mẹ uống mỗi ngày (sau này cháu mới biết là những thuốc trị tâm thần).
Mấy đứa bạn của cháu thắc mắc tại sao cha mẹ cháu đều có nước da sáng, cao lớn, mũi thẳng mà cháu thì sậm da, người tròn thấp, cánh mũi to.
Cháu muốn quên mà không quên được cái hình hài không giống ai của cháu. Có phải cháu là con ngoại hôn của mẹ không chú? Hay cháu là con nuôi? Hay là cháu đến từ một hành tinh khác?
.. . .
- Chú không hiểu tại sao cháu lại có những suy nghĩ lẩm cẩm như thế. Chuyện giống hay không giống là quyền của... ông trời. Cố học thành tài nối nghiệp cha.
.. . .
Chú ạ. Cháu báo cho chú tin động.... ông trời. Cháu đã xin thử DNA. Ông trời đã sụp đổ trước mắt cháu! Kết quả đúng như cháu hoang mang lo sợ. Cháu không có liên quan phụ hệ với cha cháu!
.. . .
- Chú hiểu tâm trạng của cháu. Nếu chia sẻ được xin cho chú chia sẻ. Chú nhớ có đọc ở đâu đó:
Cha không được định nghĩa như người đã tạo ra đứa trẻ, mà khác hơn thế, là người dang rộng vòng tay và dành thì giờ nuôi nấng đứa trẻ bằng cả tâm trí và tình yêu. Huyết thống không luôn luôn làm nên người cha. Chữ cha phải thoát ra từ tấm lòng. Ai cũng có thể tạo ra một đứa trẻ nhưng cha đúng nghĩa nhất chính là người đã nuôi nấng đứa trẻ.
Không liên hệ máu mủ không làm cho người cha kém tình phụ tử. Xác nhận một người cha đích thực, không phải ở DNA, mà ở trong trái tim người ấy.
.. . .
Cháu cám ơn chú đã mở mắt cho cháu. Nghĩ lại, cháu không còn vướng mắc chuyện... ông trời nữa. Nhưng chú ơi! Giòng máu đang chảy trong người cháu là của ai? Cháu muốn biết và cháu biết chắc chắn chú biết.
.. . .
Lá thư của chàng trai khiến tôi phải trăn trở thao thức. Không thể chối cãi là tôi và cha mẹ cháu đã giấu diếm nguồn gốc của cháu.
Tôi sẽ tiếp tục giữ hay phá lời thề khi phải trả lời cháu?
Tôi đặt lên bàn cân, một bên là sự đòi hỏi chính đáng của cháu, một bên là lời cam kết với vợ chồng bạn. Cháu đã trưởng thành, có suy nghĩ chín chắn.. Sẽ mang tội với cháu nếu vẫn giữ điều bí mật. Vì thế tôi khấn vái vong linh hai người bạn, xin đựợc giải lời thề giúp tôi thanh thản tiết lộ sự thật, từ tình sử thơ mộng của hai người cho đến thảm kịch trong chuyến đi định mệnh.
.. . .
Cháu xin lỗi đã ngưng liên lạc với chú khá lâu. Cả năm nay cháu đi đi về về giữa Mỹ và Thái Lan.
Cháu thuê thám tử tư quyết tìm ra tên hải tặc đã mang tai họa cho gia đình cháu.
Bà ngoại cháu trước khi qua đời vẫn tin tưởng cha mẹ cháu sống hạnh phúc và rất hãnh diện về đứa cháu ngoại. Ông ngoại cháu đã chết trong trại tù không lâu sau lần thăm nuôi, chắc không yên tâm nhắm mắt.
Ông bà nội từng kỳ vọng ở đứa cháu đích tôn một ngày về vinh quy bái tổ, làm rạng danh dòng họ. Ở bên kia thế giới hai cụ có phẫn nộ vì chi nhánh con cháu chính thống đã thay máu từ đây?
Mọi người đều bị lừa dối.
Cháu có nhờ cô thông dịch viên, đang theo học khoa ngôn ngữ đại học Chulalongkorn, trợ giúp. Cô này có hoàn cảnh hơi giống cháu. Cha là hải tặc hoàn lương. Mẹ là thuyền nhân suýt bị nạn trên biển như mẹ cháu.
Nhờ thám tử và cô bạn, cháu đã tìm thấy và trực diện với người gieo giọt máu oan nghiệt cho mẹ cháu. Bây giờ ông ta đã trở thành một nhà sư, trụ trì ngôi chùa nhỏ trong một làng đánh cá.
Cháu tham khảo các luật sư của Mỹ và Thái với ý định đưa ông ra toà án để đòi lại công lý cho các nạn nhân, trong đó có mẹ cháu.
.. . . 

Chú ơi giúp cháu.
Tiến thối lưỡng nan!
Nếu bị kết án, ông sư già có thể phải vào tù, trả giá cho tội lỗi trong quá khứ. Nhưng điều đó có đổi lại bình an cho cháu không? Nên hay không nên tiến hành thủ tục pháp lý?
Cháu lâm vào tình trạng y hệt như chú khi xưa (phân vân giữa việc nên hay không nên giúp mẹ cháu phá thai).
Chú ơi, có bao giờ chú hối hận vì đã không giúp mẹ trục thai nhi cháu không? Nếu không có cháu trên đời thì sao chú nhỉ? Cha mẹ cháu sẽ sống trong thiên đàng hạnh phúc với những đứa con kết tinh từ tình yêu.
Chú có nghĩ rằng cháu đang nuôi đau khổ vì nan giải?
Chú ơi, cháu là ai?
Việt Nam hay ngoại tộc Việt Nam?
Thái Lan ư? Ô nhục!
Mỹ ư? Chỉ trên giấy tờ!
Những đứa con lai Mỹ dù có bị kỳ thị nhưng vẫn không bị khước từ giòng máu Việt. Còn cháu, cháu có đựợc cái hãnh diện giới thiệu với mọi người “tôi là người Mỹ gốc Việt”?
Cháu muốn ra biển hét thi với sóng, gào lên, hỏi ông trời! Tôi là ai? Tôi là ai? Tôi là ai?
.. . .
- Chú rất thán phục sự quyết tâm và ý chí của cháu. Có lương tâm dẫn dắt, cháu hãy đi theo, làm những gì cháu thấy nên làm. Nếu cháu muốn được tư vấn thì đừng chê quan niệm lỗi thời của chú nhé.
Thời của cha mẹ cháu cũng như chú, không thiếu những chứng tích của tội ác man rợ.  Cũng không thiếu những chứng tích đau thương bi thảm. Trong số này, có số phận của những đứa con lai hải tặc.
Người ta thường tìm cách che dấu thứ mà người ta muốn quên. Nhưng cháu, một trong những đứa con đó, đã dũng cảm nói lên tiếng nói của con người, bình đẳng như mọi người của thế gian này.
Giáo lý Phật Đà dạy ta dùng từ bi và tha thứ để đối phó với nghịch cảnh. Lòng từ bi không chấp nhận hành động sai nhưng có thể tha thứ cho người làm sai.
Chính cháu là người đau khổ nhất, không được gì, đúng không? Mong cho ông sư hải tặc rục xương trong tù? Tất cả chỉ làm tinh thần cháu kiệt quệ.
Cháu ạ, Kinh Pháp Cú 5 có câu:
Hận thù diệt hận thù,
Đời này không có được,
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
Có phải cháu muốn tìm sự bình an? Nếu cháu chưa sẵn sàng mở lòng bao dung thì cũng đừng để tâm bị xáo trộn. Tâm là cốt lõi của cuộc sống. Với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ tìm đến. Với tâm bất ổn thì đau khổ sẽ bám không rời.
Vị sư già cũng đi tìm bình an như cháu. Câu kinh tiếng kệ là những tiếng than khóc tạo thành một vòng kín vô hình nhốt ông. Ông ta đang thi hành hình phạt nặng nề nhất của lương tâm. Cứ để ông ta thụ án. Cháu đâu cần phải cố sức bắt tội nguời có tội. Vào tù hay thoát khỏi tù là quyền của...ông trời!
.. . .
Thưa chú,
Chú đã giải tỏa đám mây u ám vần vũ trên đầu cháu. Cho cháu thấy ở phía trước một con đường sáng sủa hơn. Hành trang đeo trên vai cũng nhẹ hơn.
Cháu hối tiếc những ngày còn cha mẹ, cháu đã không mang đến cho các người tiếng cười hạnh phúc. Không có dịp thầm thì bên tai các người, cha mẹ ơi con yêu cha mẹ.
.. . .
Cha cháu đã đón nhận cháu như một quà tặng quí giá của tạo hoá. Mẹ cháu cũng mang nặng đẻ đau như các bà mẹ khác. Chú tin rằng ơn này còn nặng hơn ơn nghĩa sinh thành.
Phải vinh danh những người cha vĩ đại có trái tim thánh. Phải cúi đầu ngưỡng mộ và cảm thông cho những người mẹ bất hạnh. Người mẹ can đảm, mạnh mẽ đứng dậy sau khi bị vùi dập, cùng với người cha cưu mang, nuôi nấng sinh linh “lạ”, thay giòng máu ô nhiễm trong hài nhi bằng giòng máu vô nhiễm của tâm hồn.
.. . .
Chú đọc cho cháu thống kê của LHQ, tìm thấy trong thư viện, để cháu có cái nhìn tổng thể.
Khoảng 839,000 người Việt Nam đã vượt biển trên những chiếc thuyền mong manh từ 1975 đến 1997. Phỏng chừng 300,000 đến 400,000 người không đến được bến bờ tự do.
Chỉ riêng năm 1981 Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ báo cáo: 15,479 thuyền nhân đến Thái Lan đi trên 452 con tàu. Trong đó 349 tàu đã bị hải tặc tấn công, trung bình mỗi tàu 3 lần. 578 phụ nữ bị hãm hiếp. 228 phụ nữ bị bắt cóc. 881 chết hoặc biệt tích.

Con số thai nhi do hải tặc không được báo cáo chính xác vì bản chất phụ nữ Việt hiền lành, chịu đựng. Đa phần do xấu hổ nhục nhã nên không khai báo.
.. . .
Cháu đoán, những bào thai ấy nếu sống sót bây giờ đã trở thành những thanh niên, trung niên bằng hoặc hơn tuổi cháu. Họ có thể đã lập gia đình và có con cái.
Chú ơi, có ai mang cùng tâm trạng như cháu? Hỏi mãi một câu hỏi “Tôi là ai”?
.. . .
Thảm trạng lịch sử đã sang trang chưa? Có nên hâm lại chuyện cũ không? Chú không biết.
Tội ác, theo thời gian, có thể dần dần bị quên lãng nhưng chứng tích tội ác là những đứa con lai... hải tặc hiện hữu khắp nơi.
Chú nêu vấn đề với cộng đồng, mong câu hỏi “Tôi là ai?” của cháu sẽ được trả lời.
Bằng lòng với số phận? Sống để bụng chết mang theo?


Nghĩ sao?

30/4/ 2018


Nguyễn Cát Thịnh

Wednesday, May 9, 2018

Bác Sĩ Trần Kim Tuyến "Ông Trùm Tình Báo Hoàn Hảo"

 
Bác Sĩ Trần Kim Tuyến
(Kính dâng hương hồn các chiến sĩ tình báo của VNCH bị thảm sát bởi những tay sai của Việt Cộng núp dưới danh nghĩa các lãnh tụ đảng phái chính trị và các lãnh tụ tôn giáo)
Từ sau năm 2005, nhất là sau khi ông Phạm Xuân Ẩn qua đời, mỗi năm vào dịp 30 tháng 4, người ta lại đăng lại bài viết của ký giả Hoa Kỳ viết về ông cùng một số bài viết của một số tác giả khác (người Việt Nam và có lẽ là phía “bên thắng cuộc”). Những người viết về ông Phạm Xuân Ẩn đã khéo tặng ông danh xưng “người điệp viên hoàn hảo” và nêu bật thành tích của ông là đã cứu thoát bác sĩ Trần Kim Tuyến – Trùm Mật Vụ của chế độ VNCH – vào lúc Sài Gòn đang trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” sắp sửa rơi vào vòng tay của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt. Những gì đã được viết ra trong quá khứ thì không sai và cũng không có gì “cường điệu” so với sự thật ; nhưng đó chỉ là hình ảnh của “hiện tượng” mà không phải là chi tiết của “bản chất” trong mối liên hệ “kỳ quặc” của “điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn” với ông trùm mật vụ Trần Kim Tuyến !!! 

  Trực thăng Air America (CIA) đã bốc BS Trần Kim Tuyến ra khỏi Saigon vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975
Cả 2 nhân vật Trần Kim Tuyến và Phạm Xuân Ẩn đều đã qua đời từ lâu, nhưng bác sĩ Trần Kim Tuyến kỳ bí hơn ông Phạm Xuân Ẩn vì bác sĩ Trần Kim Tuyến không để lại bất cứ chứng từ nào về cuộc tham gia chính trị của cá nhân ông, cũng như chưa bao giờ có ký giả nào đến “phỏng vấn” hay quay film về sự nghiệp của ông. Vì vậy tất cả những sự kiện sắp sửa được nêu ra trong bài viết này đều là những “lý đoán”, cho nên độc giả nào đòi hỏi người viết phải đưa ra những văn bản hay hình ảnh để minh họa hay dẫn chứng các sự kiện đã nêu thì người viết xin trả lời chung là “impossible”.
Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo VNCH, chức vụ chính thức của bác sĩ Trần Kim Tuyến được bổ nhiệm là “Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị”, tuy nhiên không ai biết lương bổng hay nghi vệ của bác sĩ Tuyến như thế nào, lại càng không biết “trách nhiệm và phận sự” của Sở Nghiên Cứu Chính Trị mà bác sĩ Trần Kim Tuyến là Giám Đốc. Người ta cũng có thể dịch nhóm chữ MẬT VỤ sang tiếng Anh là SECRET SERVICE (có nghĩa là dịch vụ bí mật), tuy nhiên theo thói quen sử dụng của người Mỹ, Secret Service chỉ giới hạn trong việc “bảo vệ các yếu nhân” của Hoa Kỳ. Trong khi đó, về phía người Việt, Mật Vụ có nghĩa là Công An, Lính Kín, Cảnh Sát Đặc Biệt…Trong phạm vi rộng rãi hơn, Mật Vụ cũng có thể là Phản Gián, Tình Báo Xâm Nhập, An Ninh, Đặc Vụ…theo nhận xét của người viết : Sở Nghiên Cứu Chính Trị là tiền thân của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo thời Đệ nhị Cộng Hòa.
Tôi gọi bác sĩ Trần Kim Tuyến là nhân vật “Kỳ Bí ” bậc nhất của VNCH vì những lý do sau đây :
1. Không ai biết rõ lý do nào bác sĩ Tuyến đã rời Sài Gòn từ 1962 để đi làm Tổng Lãnh Sự tại Cairo (Egypt).
2. Sau 1 tháng 11 năm 1963, cũng không ai biết bác sĩ Tuyến trở lại Sài Gòn vào thời điểm nào.
3. Không thấy bác sĩ Tuyến tham chính hay trở lại làm việc trong môi trường An Ninh -Tình Báo của VNCH.
4. Người ta đồn đoán là bác sĩ Tuyến làm việc “cho” CIA (dễ hiểu là bác sĩ Tuyến không phải là tỉ phú nên phải cần có phương tiện tài chánh để hoạt động) .
5.Việt Cộng có thói quen là bôi bác bêu xấu tất cả những “lãnh đạo của VNCH” với những bài viết có văn phong của những tên viết mướn vô học và thiếu giáo dục, dù những kẻ viết mướn này đã thành danh hay chưa thành danh. Cứ xem những tài liệu mà bọn đàn em của Lê Duẩn và Lê Đức Anh công khai xuất bản để bêu riếu và hạ nhục Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thì đủ tỏ bọn Việt Cộng sẽ hạ nhục các cấp lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa như thế nào. Tuy nhiên tôi không thấy bài viết nào đề cập đến bác sĩ Tuyến, không phải bọn chúng sợ uy lực của ông (VNCH đã sụp đổ thì uy lực bác sĩ Tuyến đâu có còn hiện hữu) mà là vì chúng không có bất cứ tài liệu về ông – dù là những tài liệu của Sở Nghiên Cứu Chính Trị hay của báo chí đề cập đến những thất bại hay thành công của ông !!!
6. Bác Sĩ Tuyến vẫn ở Sài Gòn hoạt động Tình Báo, đã tiếp xúc một cách giới hạn với một số ít nhân vật có ảnh hưởng lớn về mặt quân sự và chính trị, nhưng khi ông rời Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, phía bên Việt Cộng bị “chấn động”. Cũng không ai hiểu tại sao bác sĩ Tuyến lại chọn Anh Quốc (mà không phải là Hoa Kỳ) là nơi cư trú tỵ nạn, và rồi ông sinh sống ra sao cho đến ngày lìa đời khoảng 1999 - 2000 (nghĩa là gần 25 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975).
Người viết không có tham vọng viết lịch sử hay bình luận về thân thế và sự nghiệp của bác sĩ Trần Kim Tuyến, do đó trong tầm giới hạn của trí nhớ, tôi cố gắng phác họa những dữ kiện rời rạc xuất xứ từ nhiều nguồn gốc khác nhau để độc giả có thể mường tượng ra được những chiến công của chiến sĩ điệp báo Trần Kim Tuyến trong công cuộc đấu tranh gìn giữ sự sống còn của phần đất của người quốc gia trước sự xâm lăng bỉ ổi, trắng trợn và tàn nhẫn của bọn Việt Cộng (được sự yểm trợ toàn diện của Đế Quốc Cộng Sản).
Năm 1959, tại Sài Gòn, học giả Hoàng Văn Chí đã xuất bản quyển sách với tựa đề Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc. Năm 1986, nhà báo Từ Nguyên phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí (bài phỏng vấn này được in trong tập san Tự Do số 50, đề ngày 16 tháng 11 năm 1986 và phát hành tại Bỉ - Belgium ), trích đoạn :…Tôi làm việc một mình. Tôi liên lạc được với một Ủy Viên trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo chí xuất bản ở Hà Nội…” – Hết trích.
Thực ra, cụ Hoàng Văn Chí chỉ nói một phần sự thật, toàn vẹn của sự thật như sau :
1/ Mạng lưới thu thập thông tin tình báo của Sở Nghiên Cứu Chính Trị do bác sĩ Trần Kim Tuyến lãnh đạo đã thu thập tất cả những báo chí xuất bản ở Hà Nội.
2/ Ủy Viên trong Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến là Ấn Độ (có một số nhân viên làm việc cho Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc) – vì vậy họ đi Sài Gòn ra Hà Nội như đi chợ, nhân viên người Ấn Độ chỉ là người chuyển hàng chứ không phải là người đi thu thập sách báo in tại Hà Nội (người Ấn Độ không đọc được tiếng Việt).
3/ Người chuyển các sách báo in tại Hà Nội không giao hàng tại Sài Gòn mà giao hàng tại Rangoon (thủ đô Miến Diện ) khi những người Ấn quá cảnh tại Rangoon trước khi máy bay đáp xuống New Dehli. Nhân viên của Sở Nghiên Cứu Chính Trị làm việc trong Tòa Đại Sứ VNCH tại Rangoon mới chuyển hàng từ Rangoon trở lại Sài Gòn. Nói như cụ Hoàng Văn Chí, hàng giao tại Sài Gòn làm sao tránh được những con mắt dòm ngó của Việt Cộng nằm vùng?
3 điểm mà tôi vừa nêu trên chứng tỏ bác sĩ Trần Kim Tuyến đã làm việc với Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc từ 1955 : chúng ta nhớ lại rằng đích thân Tổng Thống Eisenhower bổ nhiệm Đại Tá Landsdale cầm đầu phái đoàn Tình Báo của Hoa Kỳ đi Sài Gòn vào năm 1953 để dọn đường cho một chính quyền được Mỹ “bảo trợ” nhằm thay thế chính quyền do người Pháp đã và đang “khuynh đảo” chính quyền miền Nam. Ông Landsdale không có tiếp xúc với chính giới miền Bắc và không đặt cơ sở hoạt động của CIA tại miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ngày 25 tháng 6 năm 1954 thì giải pháp chia cắt đất nước đã được bàn tán vì chiến trường Điện Biên Phủ sắp đến hồi kết thúc với sự thắng lợi nghiêng về phía Việt Cộng. Rồi Hiệp Định Đình Chiến giữa Pháp và Việt Minh được ký kết tại Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 với 300 ngày giao thời để nhân dân miền Bắc có quyền lựa chọn “đi vào Nam” hay “ở lại miền Bắc”. Đây chính là khoảng thời gian mà bác sĩ Trần Kim Tuyến cộng tác với Sở Tình Báo Hải Ngoại Anh Quốc để thiết lập “mạng lưới tình báo” nhằm dò la tin tức của Bắc Việt.
Ngay sau khi liên danh John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson đắc cử, các chính khách của Hoa Kỳ (bao gồm cả 2 đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ) đến Sài Gòn đàm đạo với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, kín đáo đưa đề nghị Hoa Kỳ đem quân đội trực tiếp chiến đấu tại Việt Nam. Mọi người đều biết là Tổng Thống Ngô Đình Diệm thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị này. Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc biết rõ mục tiêu của Hoa Kỳ là dùng quân lực Hoa Kỳ để tiêu diệt tiềm năng chiến tranh của Bắc Việt và cũng biết rõ là Tổng Thống Diệm không cho quân đội Hoa kỳ vào Việt Nam cho nên Hoa Kỳ chắc chắn “đốn bỏ” chướng ngại vật là anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Vì không có thế lực nào cản trở được ý định của Hoa Kỳ, nên Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc khuyến cáo bác sĩ Tuyến nên “lánh mặt” khỏi Việt Nam vì nếu ở lại Sài Gòn, ở vào vị thế thân cận của ông, chắc chắn bác sĩ Tuyến sẽ bị giết. Đó là lý do, bác sĩ Trần Kim Tuyến xin đi làm Tổng Lãnh Sự tại Cairo và rời Sài Gòn từ 1962 (trước ngày 1 tháng 11 năm 1963 cả hơn một năm trời ).
Sau khi Trung Tướng Nguyễn Khánh mở cuộc “chỉnh lý” vào ngày 31 tháng giêng năm 1964 để đảo chính Tướng Dương Văn Minh, bác sĩ Trần Kim Tuyến trớ lại Sài Gòn và làm việc cho Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc. Đành rằng vì sự quen biết trước, nên bác sĩ Tuyến làm việc cho Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh, nhưng bác sĩ Tuyến không làm việc cho CIA vì nguyên nhân thầm kín sau đây :
A. Làm việc với CIA thì phải trung thành với CIA, phải tuân thủ những kỷ luật của chef CIA tại Sài Gòn, trong khi làm việc cho Cơ Quan Tình Báo Anh Quốc – dĩ nhiên phải “trung thành” , nhưng bác sĩ Tuyến được toàn quyền hành động – không chịu sự điều động cai quản của chef nào cả (vì Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc chỉ lấy tin tức chứ không nhúng tay vào các hoạt động chính trị của chính quyền Sài Gòn).
B. Bác sĩ Trần Kim Tuyến muốn bảo vệ mạng lưới thâu nhận tin tức của riêng ông đã gầy dựng từ 1955 ở ngoài Bắc. Họ là những chiến sĩ chống Cộng thật sự, nên họ trung thành với cá nhân của ông. Nếu bác sĩ Tuyến làm việc cho CIA, mạng sống của các chiến sĩ tình báo này (kể cả thân nhân trong gia đình ) có thể bị lâm nguy vì CIA có thể “bán” họ hầu đánh đổi lấy tù binh Mỹ đang bị giam tại Hỏa Lò Hà Nội !!! 
http://www.tinmoi.vn/trum-mat-vu-tran-kim-tuyen-da-duoc-cuu-nhu-the-nao-011359024.html
Tôi đoan chắc bác sĩ Trần Kim Tuyến không làm việc cho CIA vì nếu là nhân viên của CIA, ông và gia đình đã có tên trong “danh sách di tản”. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn phải đưa bác sĩ Tuyến lên phi cơ trực thăng của “các nhà báo Mỹ” !!!
Theo như ông Phạm Xuân Ẩn kể lại : sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, bác sĩ Tuyến được một Thiếu Tá - mà bác sĩ Tuyến giới thiệu là người cháu – chở tới Văn Phòng của ông, nhờ ông đưa vào Tòa Lãnh Sự Mỹ để di tản…Tôi nhận thấy có những điểm “bất bình thường” như sau :
1. Bác sĩ Trần Kim Tuyến đến văn phòng ông Phạm Xuân Ẩn chỉ có một mình, có nghĩa là “vợ con và gia đình đã di tản trước “ rồi.
2. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 là hạn chót cho người Mỹ di tản. Trong khi đó sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, hải quân VNCH vẫn còn trên sông Sài Gòn và bến Bạch Đằng, Dẫn chứng, qua cuộc điện đàm giữa Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang và Tổng Thống Dương Văn Minh, tướng Cang hỏi Tổng Thống DVM có rời Sài Gòn hay không để ông chờ đón tại bến Bạch Đằng. Tổng Thống DVM nói ông không thể bỏ Sài Gòn được, nhưng xin cho gia đình của con gái và người con rể là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài đi theo HQVN rời Sài Gòn. (Đại Tá Nguyễn Hồng Đài hiện ở Pasadena –Nam Cali). Tướng Cang nghe lời đầu hàng của Tổng Thống DVM trên hệ thống phát thanh, ông chỉ thốt ra được 3 chữ THẰNG KHỐN NẠN !!!
 
Bác sĩ Trần Kim Tuyến có thừa sức di tản bằng các phương tiện khác, nhưng ông đến gặp ông Phạm Xuân Ẩn để “nhờ vả” chỉ để test lại bài toán. Đó là nếu ông Phạm Xuân Ẩn trở mặt và không chịu giúp bác sĩ Tuyến rời khỏi Sài Gòn thì “đao phủ thủ” (là viên Thiếu Tá – mà bác sĩ Tuyến giới thiệu là cháu) sẽ hạ sát “điệp viên nhị trùng” ngay lập tức, rồi sau đó 2 người sẽ xuống tàu rời Sài Gòn ngay. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Ẩn dù đứng khác chiến tuyến, nhưng thông cảm cho “người bạn” đang lâm vào thế kẹt nên ông tận tình giúp. Cũng nhờ vậy, tôi đoan chắc rằng chính lòng trắc ẩn có tình người của ông Phạm Xuân Ẩn đã giúp ông sống còn, nếu không ngày 29 tháng 4 lại là ngày giỗ hàng năm của ông rồi còn đâu!!!
Tôi cũng đoan chắc là khi ông Ẩn lái xe đưa bác sĩ Tuyến đến địa chỉ số 39 đường Gia Long, “đao phủ thủ” vẫn lái xe gắn máy bám sát theo xe của ông Ẩn và chờ đến khi bác sĩ Tuyến lên được chiếc trực thăng, viên Thiếu Tá này mới trở về nhà của mình. Hiện nay chưa một ai xác nhận được lai lịch của vị Thiếu Tá đã chở bác sĩ Tuyến đến văn phòng của ông Ấn.
3. Trước ngày Tổng Thống Thiệu chịu trao quyền cho Tổng Thống Trần Văn Hương, bác sĩ Tuyến đã mưu toan lật đổ Tổng Thống Thiệu, vậy lý do nào ngày 29 tháng 4 năm 1975, bác sĩ Tuyến mới chịu rời Sài Gòn ?. Theo ý kiến của riêng tôi, bác sĩ Tuyến là vị chỉ huy có tinh thần trách nhiệm với thuộc cấp : ông đã dùng uy tín của ông để đưa các nhân viên và gia đình của họ rời khỏi Sài Gòn bằng nhiều phương cách khác nhau. Đồng thời ông cũng xóa các “dấu vết” trong mạng lưới tình báo của ông để Việt Cộng khi kiểm soát toàn thể Sài Gòn không thể mò tìm gây phiền toái và nguy hiểm cho những người vì nhiều lý do không thể rời khỏi Sài Gòn được.
Bên ngành Cảnh Sát Đặc Biệt cũng có trường hợp tương tự : Trung Tá Nguyễn Hữu Hải- nguyên Phụ tá Đặc Biệt của Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Quân Khu 2, khi di tản về tới Sài Gòn thì các tướng Huỳnh Thới Tây, tướng Nguyễn Văn Giàu… đã rời Việt Nam. Nhận thấy Văn Khố của Cảnh Sát Đặc Biệt vẫn còn nguyên, Trung Tá Hải đã ra lệnh tiêu hủy và ông là sĩ quan cao cấp nhất của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt đã bàn giao cho Việt Cộng tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia trên đường Võ Tánh tại Sài Gòn (Ghi nhớ : Biện Lý Triệu Quốc Mạnh – kẻ nằm vùng của Việt Cộng – được Tổng Thống DVM bổ nhiệm làm Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành, nằm trên đường Trần Hưng Đạo chớ không phải được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Cảnh Sát nên Triệu Quốc Mạnh không biết gì về Văn Khố của Cảnh Sát Đặc Biệt). Trung Tá Nguyễn Hữu Hải bị Việt Cộng trả thù bằng cách giam giữ ông tới 17 năm, ông ra tù sau tướng Lê Minh Đảo và đưa thẳng sang Hoa Kỳ vào năm 1993 (tội của ông không được ghi trên văn bản nhưng Việt Cộng giam giữ lâu vì ông ra lệnh phá hủy các văn kiện tối mật mà chúng muốn biết).
4. Sau khi bốc Trung Tướng Trần Văn Đôn và bác sĩ Trần Kim Tuyến rời khỏi Sài Gòn, chắc chắn chiếc trực thăng chỉ đủ xăng bay ra Hạm Đội 7, đổi phi cơ trên Hàng Không Mẫu Hạm nhưng tôi không rõ phi cơ chở 2 vị bay sang Thái Lan hay bay vào căn cứ Clark trên đất Philippines, chỉ biết rằng Trung Tướng Trần Văn Đôn thì đến Pháp định cư, còn bác sĩ Tuyến thì đến Anh định cư. Có lẽ Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại của Anh Quốc trả tiền “về hưu” cho bác sĩ Tuyến nên ông dùng số tiền này mua một motel nhỏ để dưỡng già : bác sĩ Tuyến vừa làm manager, vừa làm bồi phòng, vừa làm janitor, vừa đun nước sôi pha trà… cho khách, giống như một cao thủ võ lâm “rửa tay gói kiếm” trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Trung Hoa.
5. Tôn Tử khi viết quyển BINH PHÁP cách nay hơn 2,500 năm , trong chương “Dụng Gián”, ông có phân loại nhiều loại gián điệp mà Tử Gián có nghĩa là Gián Điệp chỉ được dùng có 01 lần duy nhất. Tôi gọi bác sĩ Trần Kim Tuyến là Ông Trùm Hoàn Hảo (như tiêu đề bài viết này) vì sau khi giúp bác sĩ Tuyến rời khỏi Sài Gòn, điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn đã bị bọn lãnh đạo của Việt Cộng nghi ngờ lòng trung thành, chúng vinh thăng cho ông Ẩn từ Đại tá lên Thiếu Tướng Tình Báo nhưng cô lập và không cho tiếp xúc với bất kỳ ai khiến ông bất mãn. Theo như tiết lộ của bà Irina trong tập Bút Ký Irina xuất bản hồi 1992 tại Hoa Kỳ,trước khi Liên Sô sụp đổ, bà Irina sang Việt Nam phỏng vấn ông Ẩn (vì bà là Trưởng Ban Việt Ngữ của đài phát thanh Moscow), ông chua chát nói : “ông chỉ có làm tình và làm báo, chớ ông không có làm tình báo” !!!
Bác sĩ Trần Kim Tuyến đã đẩy điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn trở thành Tử Gián nghĩa là vô hiệu hóa khả năng làm tình báo của ông Ấn sau năm 1975. Bác sĩ Trần Kim Tuyến lìa đời trước ông Phạm Xuân Ẩn chừng non 10 năm, nhưng bác sĩ Tuyến ra đi với tấm lòng thanh thản. Trong khi đó, ông Phạm Xuân Ẩn lìa đời với tấm lòng buồn bực ấm ức, chả thế mà trong di chúc, ông dặn lại con cháu : “sau khi ông chết, xin đừng chôn chung với những người Cộng Sản …”
Đọc Tam Quốc Chí, đoạn nói về Khổng Minh bị Tư Mã Ý bao vây mà trong thành chỉ còn vài trăm quân lính, Khổng Minh liền cho mở cửa thành, ngồi ở cuối đường ngó thẳng vào thành, cầm quạt phe phẩy, vậy mà Tư Mã Ý không dám tiến quân, rồi sau đó cho lui binh. Mao Tôn Cương bàn rằng : …Kế của Khổng Minh thành công vì Khổng Minh biết Tư Mã Ý là người suy tính cẩn thận. Mưu kế ấy sẽ trở nên thất bại nếu người vây thành là Trương Phi hay Hứa Chữ thì không xong vì 2 ông tướng nóng nẩy này cho dù biết có cả vạn binh phục kích đi nữa cũng không care !
Tương tự như vậy, chính vì quá hiểu biết tâm tư + tính tình của bọn lãnh tụ Việt Cộng nên bác sĩ Tuyến mới triệt hạ được khả năng làm “điệp viên hai mang” của ông Phạm Xuân Ẩn.
Xin gửi cả sự TÂM PHỤC lẫn KHẨU PHỤC đến bác sĩ Trần Kim Tuyến về tài năng và trí tuệ tuyệt vời của ông.
San Jose ngày 19 tháng 5 năm 2015

Gặp bác sĩ Trần Kim Tuyến - Nguyễn Hoài Vân

Bác Sĩ Trần Kim Tuyến 
Một đề tài mà tôi được nghe khá lâu là sự hình thành và tổ chức của hệ thống tình báo ở miền Nam. Thú thực là tôi thiếu những dữ kiện kỹ thuật và lịch sử để hiểu hết. Tôi còn nhớ vài giai thoại như vụ ám sát hụt ông Hoàng Sihanouk, một việc mà bác Tuyến rất không đồng ý ...
ĂN NHANH RỒI NÓI CHUYỆN :
Một buổi chiều hè, tôi được hân hạnh gặp bác Trần Kim Tuyến. Vừa xuống xe, thấy bác đứng trước cửa nhà đón khách, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên là vóc người thật nhỏ, quá nhỏ, đối với một hình ảnh thật lớn trong đầu óc tôi. Rồi tới nước da trắng nhợt một cách lạ lùng, như chưa từng biết đến ánh nắng mặt trời. Giọng nói nhẹ nhàng, hiền hòa và đầy vẻ khiêm nhường khiến tôi liên tưởng đến một vị Tu Sĩ Châu Sơn, nơi tôi từng có dịp tá túc lúc còn nhỏ ... Quả thực không thấy gì gợi lên được cái quá khứ đầy huyền thọai mà “nhân gian” thường truyền tụng.
Bác niềm nở mời khách vào nhà, uống nước, rửa mặt sau chuyến đi xa, rồi lôi tất cả ra sân sau ngồi bệt trên cỏ nói chuyện. Sau vài câu vào đề rất ngắn ngủi, chúng tôi nói ngay sang chuyện thời cuộc, cũng một cách rất ngắn ngủi, trước khi bị cuốn hút vào những vấn nạn về lịch sử cận đại của VN, đặc biệt là về giai đoạn Đê Nhất Cộng Hòa. Vào lúc này, tôi chỉ nghe, chứ không nói gì. Bạn cùng đi và bác Tuyến kẻ hỏi người đáp, một cách dè dặt, thủ thế. Một lúc, bác Tuyến nói ít hẳn đi, tôi mới xen vào với vài câu chuyện chung chung để lấp những chỗ trống. Không khí chỉ cởi mở trở lại khi chúng tôi trở về với thời cuộc hiện tại. Bác Tuyến tươi cười luôn luôn, nên họa hoằn có lúc bác ngưng cười, là tôi lập tức chú ý và điều chỉnh...
Ngồi vào bàn ăn cơm tối, bác bảo tôi “ăn nhanh rồi lên trên kia nói chuyện”.. Một câu nói vô ý, nhưng lại thật đúng ý tôi. Bác gái cũng nhận thấy sự vô ý ấy, và vừa cười vừa cằn nhằn bác trai. Lúc ấy bác gái đã bắt đầu ra vào nhà thương, nhưng mấy tháng sau mới trở bệnh nặng, kéo dài cho đên lúc qua đời, cách đây khoảng chín tháng. Chúng tôi cũng được ra mắt bà cụ thân sinh bác gái. Bà quấn khăn, trang phục hoàn toàn như ở VN thời xưa.
 
TỪ Ý THỨC HỆ ĐẾN CHÍNH QUYỀN : 
Cơm xong, bác Tuyến gọi tôi, là người ăn nhanh nhất, lên một căn phòng trên lầu. Bác ngồi ghế, tôi ngồi trên giường. Câu chuyện lần này rất mạch lạc, có thứ tự thời gian, có “dàn bài” rõ rệt. Đầu tiên là một vấn đề lý thuyết rất nền tảng. Bác phân tích tương quan giữa Ý Thức Hệ, Chủ Thuyết, Đảng, và Chính Quyền, như sau:
Người CS đi theo trình tự: có ý thức hệ, rồi mới có chủ thuyết, sau đó mới có đảng, rồi đảng đấu tranh lấy chính quyền. Như thế phẩm chất của đảng, trên phương diện đấu tranh, rất cao, vì phải có phẩm chất cao, đảng mới lấy được chính quyền. Tiến trình này cũng khiến cho khi chính quyền bị lung lay, thì đảng vẫn còn đó, khi đảng bị sụp đổ, thì chủ thuyết vẫn hiện hữu, và nếu chủ thuyết có sứt mẻ, thì ý thức hệ vẫn tồn tại.. 
Ý thức hệ là điều rất khó xóa đi trong đầu óc con người, nên dù cho có mất cả chủ thuyết, đảng lẫn chính quyền, người ta vẫn có thể gây dựng lại từ đầu, tức từ ý thức hệ.
Ngược lại, bên quốc gia, có chính quyền rồi mói vội vã lập Đảng, tìm Chủ Thuyết, kiếm Ý Thức Hệ. Điều này khiến cho phẩm chất của Đảng trong việc đấu tranh rất kém. Thật vậy, có chính quyền rồi mới lập Đảng, như trong hai nền Cộng Hòa ở miền Nam VN, khiến cho nhiều người vào “Đảng Chính Quyền” chỉ để kiếm ghế, tranh lợi lộc, dành địa vị. Tức là Đảng do chính quyền đẻ ra, sẽ gồm một phần không nhỏ những người cơ hội chủ nghĩa. Và khi Chính quyền sụp đổ, Đảng cũng tan rã, như trường hợp các Đảng Cần Lao, và Dân Chủ, dưới hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa VN. Về Đảng Cần Lao, bác vừa cười vừa nói, : “tôi với anh Nhu lập ra Đảng Cần Lao, rồi không biết làm gì !”
 Cố Vấn Ngô Đình Nhu
 Thật ra, về vấn đề trên, tôi trộm nghĩ Đảng CS cũng vấp phải tệ nạn cơ hội chủ nghĩa sau khi Đảng này trở thành Đảng cầm quyền được một thời gian. Những người tham gia đấu tranh gian khổ lúc ban đầu, thì dễ dàng “biến chất”, trở thành trục lợi, ăn hưởng, còn những người tham gia sau khi đã lấy chính quyền, thì trong thực chất có thể cũng chẳng khác gì một phần không nhỏ những đảng viên của các đảng phái do các chính quyền quốc gia đẻ ra.
Về ý tưởng “đổ chính quyền còn đảng, mất đảng còn chủ thuyết, v.v...” thì có người sẽ cho rằng CS đã bị bác bỏ từ Chủ Thuyết, và sẽ không bao giờ có thể gầy dựng lại được nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ tư tưởng của bác Tuyến có phần đúng. Thật vậy, trong thực tế, từ lúc phát sinh ra, bất cứ chủ thuyết nào cũng đều bị tấn công, bị phê bình bác bỏ, một cách thường trực, chứ không phải chỉ ở giai đoạn sụp đổ của nó. Không cần phải đợi đến đầu thập niên 90 người ta mới biết đập đổ chủ thuyết của những người CS cầm quyền trên thế giới. 
Còn sự sụp đổ thực sự của các chế độ CS, thì không có cách nào khác hơn là phải bắt đầu bằng chính quyền, rồi mới đến đảng, như ở Liên Sô. Thêm vào đó, tại nhiều nơi bên Đông Âu và Liên Sô cũ, từ những căn bản Ý Thức Hệ CS, người ta đã hình thành trở lại những đảng phái có khuynh hướng Xã Hội, và nhiều đảng loại này đã lấy lại được chính quyền...
Tôi cũng có hỏi về thuyết Nhân Vị, mà tôi đã từng có dịp đọc qua ở Pháp, vì thuyết này vốn của một người Công Giáo Pháp tên Emmanuel Mounier đề ra. Bác Tuyến cho rằng đó chỉ là những quan niệm có tính cách luân lý, đạo đức, hơn là một chủ thuyết chính trị.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm
VỤ GIÁO PHÁI VÀ HAI CUỘC ĐẢO CHÁNH :
Khi mọi người đã lần lượt tề tựu đến, người ngồi trên giường, kẻ bắc thêm ghế, thì bác Tuyến nói sang việc nước thời T.T. Ngô Đình Diệm. 
Như để trả lời một câu hỏi tế nhị được đặt ra hồi chiều, bác kể lại chuyện bác bắt đầu vào làm việc cho chính phủ lúc ấy. Bác nói :“Ông Nhu cho tôi một bàn giấy ở bộ Thông Tin, rồi trong suốt hơn một năm trời tôi chả làm gì cả, chỉ ngồi đọc báo !”. Chúng tôi hiểu, đó là giai đoạn xảy ra cuộc xung đột “Giáo Phái”... 
Bác cũng nói đến một số nhân vật như các ông Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Vũ Tam Anh, v.v... Rồi, như để ngừa trước một câu hỏi tế nhị khác, bác Tuyến nhắc lại việc đi làm Đại Sứ trong giai đoạn cuối của Đệ Nhất Cộng Hòa VN. Sẵn dịp bác kể chuyện cuộc đảo chánh lần đầu, và vụ Caravelle. Trong vụ này có một khủng hoảng nhỏ với chính quyền Hoa Kỳ, khi bác Tuyến phát hiện và trục xuất một người Mỹ thuộc cơ quan tình báo, có mặt trong một buổi họp của nhóm chủ trương. 
Về cuộc đảo chánh TT Diệm lần đầu, bác Tuyến kể nhiều giai thoại. Tôi nhớ đại khái rằng cuộc đảo chánh ấy đã thất bại phần lớn do phản ứng của một vị công chức cấp nhỏ của sở điện thoại... 
TỪ ẤP CHIẾN LƯỢC ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN : 
Sau khi nói nhiều về các vấn đề trên, bác Tuyến trở lại “dàn bài” lúc đầu. Bác nói: “chúng tôi cố làm tất cả những gì chúng tôi làm được trong lúc ấy”. Từ đó, bác kể lại những căn bản của chương trình “ấp chiến lược”. 
Chương trình này đã bị bộ máy tuyên truyền của phe CS xuyên tạc nhiều, đưa đến phản ứng tiêu cực từ một số dân chúng. Thái độ ấy, cũng như những vụng về và sơ sót của một số cán bộ quốc gia, đã gây nên những trường hợp quá khích, gây tổn hại cho người dân. 
Tôi có cảm tưởng, khi nghe bác Tuyến kể lại, rằng “ấp chiến lược” chính là tiền thân của các chương trình “xây dựng nông thôn” và “bình định phát triển” sau đó. Bác nói rất nhiều về lý thuyết của các chương trình này, như một nhà văn say mê bình luận tác phẩm của mình. 
Nhờ lúc còn con nít có được ra “chầu rìa” ngoài Chí Linh ít lâu, nên tôi cũng có chút hiểu biết về các chương trình ấy, nhất là chương trình “xây dựng nông thôn” , với 11 mục tiêu 98 công tác (11 mục tiêu là : diệt CS nằm vùng, loại trừ tham nhũng, tổ chức bầu cử hội đồng xã ấp, đoàn ngũ hóa nhân dân, chống nạn mù chữ, làm trường học, làm trạm y tế, xây dựng cầu cống đường xá, tổ chức thuế vụ, chương trình thông tin, và chương trình đãi ngộ chiến sĩ, cán bộ, cùng gia đình họ; chương trình này được hỗ trợ bởi kế hoạch CG, tức dân ý vụ, và PRU, tức trinh sát tỉnh). Nhờ thế, tôi được dịp phần nào bàn tán qua lại với bác cho cuộc đối thoại thêm hào hứng. 
Bác không dấu những mặt tiêu cực, nhưng trong đánh giá tổng quát, thì coi đó là những chìa khóa của sự thành công của VNCH trong việc tái lập an ninh và ổn định sau những giai đoạn rất hỗn loạn, và luôn bị đe dọa tại khắp các vùng nông thôn. Bác đồng ý với tựa đề quyển sách của W.Colby, gọi cuộc chiến VN là “một chiến thắng bị bỏ mất” (lost victory). 
Tôi để ý dường như ông Colby là người duy nhất mà bác Tuyến gọi là “nó”, một cách thân thiện. Ngoài ra đối với bất cứ ai, dù là đối thủ, dù đã từng thù ghét hay làm hại bác, bác cũng đều gọi là “ông ấy”, hay “anh ấy”. Khi nhắc đến những người bác không ưa, tôi thường chỉ nghe bác cười rằng “cái ông ấy...” rồi ngưng lại, không một lời chỉ trích nào hết. 

TÌNH BÁO VIỆT NAM :
Một đề tài mà tôi được nghe khá lâu là sự hình thành và tổ chức của hệ thống tình báo ở miền Nam. Thú thực là tôi thiếu những dữ kiện kỹ thuật và lịch sử để hiểu hết. Tôi còn nhớ vài giai thoại như vụ ám sát hụt ông Hoàng Sihanouk, một việc mà bác Tuyến rất không đồng ý. 
Bác cũng nói qua về việc thả nhân viên ra Bắc. 
Điều mà tôi ghi nhận là một trong những cách thức lấy tin của bác Tuyến rất đặc biệt. Bác dựa vào tình cảm, vào sự giao thiệp rộng rãi, và sự giúp đỡ người khác để có tin tức đến từ nhiều môi trường khác biệt. Khi cần, bác luôn sẵn chỗ để hỏi tin tức, vì không ông này thì ông khác, trước đó ít lâu, cũng đã từng nhờ bác can thiệp giúp mắc được đường giây điện thoại một cách nhanh chóng sau nhiều tháng trì trệ, hay giúp giải quyết một tranh chấp với một cơ quan chính quyền, một vấn đề thuế má, một khó khăn về giấy tờ v.v...
Với nụ cười ranh mãnh, bác bảo: “Tôi chỉ ngang hàng chủ sự, lúc đầu chỉ ăn lương thiếu úy, thế mà chuyện gì họ cũng đến nhờ tôi.” Thật ra khi ấy, hào quang của bác Tuyến đã khiến cho nhân viên của cơ quan nào nhận được điện thoại của bác cũng đều vội vã đáp ứng tất cả những gì bác yêu cầu, nhanh hơn cả khi nhận được lệnh của chính thượng cấp trực tiếp của họ ! Sự hiệu quả của những can thiệp của bác, lại càng làm tăng thêm cái hào quang đã sẵn có kia, khiến người ta càng thêm đồn đại về thế lực của “BS Trần Kim Tuyến” ! 
Cần nói là khi ông Nhu gửi máy bay ra Hà Nội khẩn cấp mời vào Sài Gòn hợp tác với chính phủ, bác Tuyến mới chưa đầy ba mươi tuổi ! 
  Đại Tá Phạm Ngọc Thảo
BẮT HỤT LÊ DUẨN :
Trong các buổi nói chuyện khác, chúng tôi trở về lối hỏi đáp, và lướt qua nhiều đề tài cũng như nhân vật. 
Về ông Phạm Ngọc Thảo, được chính phủ Hà Nội tuyên dương như một người rất có công với “cách mạng”, bác Tuyến cho biết bác vẫn không tin ông Thảo dã trá hàng. 
Bác Tuyến kể lại lần đầu gặp ông Thảo, rồi sự thăng tiến của ông trong chính quyền VNCH, cũng như những âm mưu ám sát ông của phía bên kia. Bác nhắc lại kỹ thuật đề phòng khỏi bị ám sát rất tinh tế và hữu hiệu của ông Thảo. 
Theo bác Tuyến, có lần ông Thảo đã cho đầy đủ dữ kiện để bắt Lê Duẩn, và khi nhân viên của chính phủ VNCH ập đến, thì Lê Duẩn mới vừa rời khỏi địa điểm ấn định không đầy vài phút. Nguyên do của sự chậm trễ ấy là do ở nhân viên của chính phủ VNCH chứ hoàn toàn không thể được tính toán trước bởi ông Thảo. Ngày nay, khi biết rằng sau đó, Lê Duẩn sẽ trở thành người dẫn đầu phe chủ trương thôn tính miền Nam bằng một cuộc chiến tranh quy mô, phải chăng chúng ta có thể hình dung được một khúc quanh khác cho lịch sử VN nếu ông này bị bắt vào lúc ấy, do sự chỉ dẫn của ông Phạm Ngọc Thảo ?
 
 Chuyến bay và tấm hình lịch sử ngày 30-4-1975 
 
THOÁT TRONG ĐƯỜNG TƠ KẼ TÓC :
Một câu chuyện mà tôi rất say mê, là sự thoát khỏi VN trong đường tơ kẽ tóc, lúc Sài Gòn thất thủ, của bác Tuyến. 
Tôi nghe như thế này: lúc ấy gia đình bác đã được đưa đi quốc ngoại. Bác còn ở lại, tưởng cũng sẽ di tản trong một chuyến sau. Nhưng rủi thay tình thế trở thành rối loạn quá nhanh chóng, khiến cho các kế hoạch đưa người đi hoàn toàn bị đảo loạn. Bác không còn lối thoát. 
Ngày cuối, bác đến khách sạn Continental tìm bạn quen vấn kế. Gặp ông Phạm Xuân Ẩn, một người theo bên kia bị bác bắt được ở Hạ Lào nhưng thả ra và cho đi học về báo chí ở Mỹ. Sau ông Ẩn làm biên tập viên cho tờ Time. Ông thấy bác còn kẹt lại, liền hốt hoảng gọi điện thoại vào Tòa Đại Sứ Mỹ hỏi cách để đưa bác đi. Người trong Tòa Đại Sứ cho biết ông ta không thể trả lời ngay, và hẹn sẽ gọi lại. Ông Ẩn bảo bác Tuyến cứ ở trong phòng của ông nghỉ ngơi trong khi chờ điện thoại của người kia. 
Nhiều giờ trôi qua, không tin tức, bác Tuyến bắt đầu tuyệt vọng, và dường như là đã bỏ đi đâu gần đó. Lúc ấy, người trong Tòa Đại Sứ Mỹ gọi lại, ông Phạm Xuân Ẩn nhắc máy. Bác Tuyến nói nếu ông Ẩn chỉ giả vờ giúp bác, thì ông đã lờ cú điện thoại ấy đi. Nhưng không, ông lập tức chạy đi tìm bác Tuyến và lôi bác đến điểm hẹn cuối cùng để bốc người di tản, ở gần Mission Culturelle Pháp. 
Hai người chạy đến nơi, thì cửa sắt đang đóng xuống. Bác Tuyến nhỏ người chui tọt qua được, ông Ẩn cầm cái sách tay của bác ném sang phía bên kia, rồi anh em nhìn nhau gạt lệ giã từ. Bác chạy vội lên lầu cao ốc, lúc trực thăng đang sắp sửa rút thang. Người đưa tay kéo bác lên máy bay không ai khác hơn là Trung Tướng Trần Văn Đôn. 
 
Điệp viên Phạm Xuân Ẩn
  Ông Phạm Xuân Ẩn ở lại, được tuyên dương như một nhân vật tình báo có công lớn đối với chính quyền miền Bắc. Lúc bác Tuyến kể chuyện về ông, thì cũng có tin ông vừa trả lời phỏng vấn của một tờ báo Mỹ nào đó. Có lẽ tờ Time ?
Cả năm sau, tôi được nghe nói về ông Vũ Ngọc Nhạ, nhân có người ở Paris viết sách về ông ta. Sẵn điện thoại thăm bác Tuyến, và hỏi bệnh tình bác gái, tôi nhắc đến ông Nhạ. Bác Tuyến vừa cười vừa kêu : “Ối Giời ơi, cái ông ấy...!” 

VATICAN :
Một dịp khác qua điện thoại, tôi hỏi về ảnh hưởng của Tòa Thánh Vatican đối với VN. Bác nói “CS họ có truyền thống sợ Vatican, làm nhiều người cứ nghĩ theo họ, tưởng rằng Vatican là thế lực ghê gớm lắm”. 
Tôi nghĩ có lẽ người CS cần “vạch mặt chỉ tên” một tổ chức có mặt trên toàn thế giới để cụ thể hóa một “thế lực phản động quốc tế” tương xứng với khái niệm “quốc tế CS” của họ. Cái “quốc tế không CS” thường hay được họ chiếu cố nhất, chính là Vatican, vì trong tâm lý của họ, Giáo Hội Công Giáo có mô hình tổ chức giống họ (thật ra là họ bắt chước Công Giáo), và có đủ điều kiện để trở thành một hình ảnh đối xứng với họ ở phía bên kia bức màn sắt. 
Theo bác Tuyến thì cách nhìn này là tưởng tượng, là một thứ “fantasme”, một hiện tượng tâm lý. 
Tôi cũng có hỏi về ảnh hưởng của các Đức Ông VN làm việc bên cạnh Đức Giáo Hoàng trong Tòa Thánh. Bác bảo người ta cứ gán cho các Ngài những vai trò mà các Ngài không có. Điều này xét cho cùng rất có hại cho Tòa Thánh, và cho Giáo Hội Công Giáo VN. 
Thật ra, có lẽ thế lực của một số Giáo Quyền đã thực sự hiện hữu ở một giai đoạn lịch sử trước đây, nhưng ngày nay thời thế đã đổi khác nhiều...

KỲ THỊ NAM BẮC ?
Bác Tuyến kể rằng có lần TT Diệm giao cho bác thiết lập một danh sách những người tín cẩn và nhiều khả năng để cộng tác với chính phủ. Bác đưa danh sách xong, TT Diệm nói :“Tại sao chỉ toàn người Bắc ?” 
Bác trả lời :“Tổng Thống dặn tôi lập danh sách những người tín cẩn và có khả năng, mà suốt đời tôi cho đến nay chỉ sống ở ngoài Bắc, tôi không biết người Nam nào cả, làm sao dám tiến cử người Nam với Tổng Thống ? Vì thế tôi chỉ đề nghị những người tôi biết rõ...” 
Ai dám lên án cách suy nghĩ và xử sự này ? Không thể hô hào kêu gọi người dân “ba miền” đoàn kết với nhau, mà phải tạo điều kiện để có sự trao đổi, gặp gỡ, và cảm thông giữa người ở chỗ này với chỗ khác. Bác Tuyến sau này có nhiều bạn hữu người Nam, và nếu lúc đó có phải lập lại một danh sách, thì chắc chắn trong đó sẽ có rất nhiều người Nam. 

TỪ ĐỆ NHẤT ĐẾN ĐỆ NHỊ CỘNG HÒA :
Tôi có được nghe qua về những quan hệ cá nhân và công việc giữa bác Tuyến và gia đình TT Diệm. Bác cho biết đã gặp TT Diệm lần đầu tiên lúc ông đi lánh nạn trên miền thượng du Bắc Việt. Lúc ấy bác Tuyến là người đạp xe đạp đi dẫn đường, TT Diêm ngồi xe hơi theo sau. Mãi khi đã trở thành Tổng Thống, ông Diệm mới biết việc này, và ngạc nhiên hỏi bác Tuyến :“lúc đó, là ông à ?”
Bác cũng nói về những bất đồng ý kiến với ông Nhu vào giai đoạn cuối của Đệ Nhất Cộng Hòa, đưa đến việc bác từ chức, và sau đó xảy ra cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963. Như đã nói ở trên, vào lúc xảy ra cuộc đảo chánh, bác Tuyến ở ngoại quốc, và khi trở về đã phải vào tù ít lâu. 
Bác nhắc lại với nụ cười ranh mãnh, tất cả những mạ lị, vu khống, mà người ta đã dựng lên lúc bác thất thế, kể cả những người đã từng quỵ lụy nhờ vả bác. Bác phải chịu đựng nhiều vụ kiện rất vô lý, như vụ thanh niên cộng hòa phá phách một phòng thử nghiệm y khoa từ nhiều năm trước đó, và đã được chính phủ đề nghị bồi thường. Nguyên đơn đòi bác phải bồi thường thêm, viện dẫn rằng “chế độ Ngô Đình Diệm” có ba người lãnh đạo là ông Nhu, ông Diệm và bác Tuyến. Nay “Diệm Nhu” đã chết, thì bác Tuyến phải lãnh hết những trách nhiệm của giai đoạn đó !
Ra tù, bác không có nhà ở, và nhớ lại lúc trước có được một vị giáo sư trách nhiệm Làng Đại Học đến gặp và xin dành cho bác một khu đất trong đó. Bác dự định đến làm nhà nơi ấy, thì được biết khu đất của bác đã bị người khác chiếm mất. Thì ra khi bác thất thế, người ta đã đi tìm một vị bộ trưởng “đang lên” để dâng tặng khu đất đã nhượng cho bác. 
Sau, ông bộ trưởng này, lúc đã thôi làm bộ trưởng một thời gian, lại được chọn vào một nội các thành phần thứ ba để hòa giải với phe CS lúc miền Nam gần thất thủ. Giờ chót, tên ông bị loại. Ông ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì ? Sau không biết nhờ ai mách nước, ông nghĩ rằng chính bác Tuyến đã xóa tên ông vì câu chuyện khu đất ở làng Đại Học. Ông vội vã chạy đến gặp bác, phân trần và đổ lỗi cho ông giáo sư trách nhiệm phân phối đất đã nói ở trên !
 
MỘT CON NGƯỜI TỪ TỐN :
Một điều đặc biệt nơi bác Tuyến là bác rất ít khi nào nói đến chuyện gì một cách quả quyết. Bác thường dùng chữ “tôi chả biết”, nhưng lại thêm vào ngay sau đó “nhưng tôi có nghe người ta bảo thế này”. 
Để xác nhận một việc gì, bác nói: “thì tôi cũng nghe nói vậy”. Còn để phủ nhận, bác chỉ cười, rằng :“họ nói thế....”, hay “ông ấy nói thế...” 
Không khi nào thấy bác chỉ trích người này nói bậy, kẻ khác sai lầm. Quá quắt lắm, bác chỉ hơi nhăn mặt, bảo : “cái ông ấy !” Trong lý luận, thì bác luôn sử dụng các chữ “tôi nghĩ vậy”, hay “có lẽ là như vậy”. 
Ôi ! đường đường một vị giám đốc của “Sở Nghiên Cứu Chính Trị”, người làm ra và điều khiển ngành tình báo của cả một quốc gia, mà chuyện chi cũng “chả biết”, nói gì cũng thêm vào chữ “có thể”, thì quả thực là một tấm gương sáng cho tất cả những ai muốn dấn thân vào việc nước đó vậy !
 
MỘT ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU 
Tôi rất cảm phục bác Tuyến trong đời sống thường ngày của bác. Sáng sớm, tôi thức giậy, mò xuống nhà, thì thấy bác dã sửa soạn chu đáo bàn ăn sáng cho khách trọ “guest-house" (bác sinh sống nhờ cái khách sạn nhỏ xíu này). Bác nhẹ nhàng đặt từng chiếc muỗng, từng tách cà phê, như đang làm một điều gì rất trọng đại. Mọi công việc đều chu đáo, mọi động tác đều cẩn thận, hoàn hảo. Ngày nào bác cũng làm những công việc ấy, những động tác ấy, với một sự cẩn trọng đều đặn như nhau. 
Sau này, khi bác gái phải nằm bệnh viện, bác cũng hàng ngày vào nhà thương ngồi đến tối, đều đặn như đồng hồ. Vào những tháng cuối cùng của bác gái, bác lo chăm sóc ở nhà, cũng với sự tận tụy, và đều đặn như vậy, khiến bác mệt nhiều. Tôi được biết qua điện thoại là bác chỉ chịu nghỉ ngơi một chút khi có y tá đến thay thế.
Rồi một buổi tối, điện thoại reo. Bên kia đầu giây là bác Tuyến. Vẫn với giọng nói nhỏ nhẹ, bác cho biết :“Nhà tôi đi rồi Vân ạ”. Những ngày sau đó, tôi nói chuyện điện thoại với bác khá nhiều. Khi thì bác gọi tôi, cảm ơn tôi tặng vòng hoa, khi thì tôi gọi bác , nghe than phiền vụ tìm đất không được, chỗ nào cũng phải bốc đi sau mấy năm, hay không cho xây mộ, thậm chí tìm đến đất Tin Lành (Anh Giáo) cũng không xong, v.v...
Bác có vẻ rất bình tĩnh và sáng suốt. Tôi có dịch bài Ca Vịnh “Requiem Aeternam” của Esdras trong Cựu Ước, gửi biếu bác. Ít lâu sau, tôi nhận được một bài thơ đề là của bác gái nhắn gửi phu quân và các con, làm lúc còn sáng suốt, kèm với một thư cảm ơn. 
Qua điện thoại, bác cũng cho biết có thể hè này sẽ đi Pháp... 
Tôi không dè mấy tháng sau bác lại đã ra người thiên cổ.
NGUYỄN HOÀI VÂN